Ngày 19/12/2017, Công ty cổ phần FPT chính thức có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố việc đã hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) xuống dưới 50%.
Cụ thể, từ ngày 18/12/2017, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Retail là 47%; còn tại FPT Trading là 48%. “FPT Trading và FPT Retail không còn là công ty con mà trở thành công ty liên kết của FPT”, văn bản của FPT chính thức công bố.
Kế hoạch giảm sở hữu của FPT tại hai công ty này đã được công bố từ lâu. Tuy nhiên, phải tới giữa tháng 8 năm nay, FPT mới chính thức công bố việc đã hoàn tất chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tương đương 6 triệu cổ phiếu, cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital.
Sau khi chuyển nhượng cổ phiếu cho Dragon Capital và VinaCapital, FPT vẫn nắm giữ tới 55%, tức là vẫn nắm quyền chi phối và kiểm soát FPT Retail.
Sau đó 1 tháng, FPT tiếp tục chính thức công bố đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex), tập đoàn có doanh thu 33 tỷ USD và là tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử.
Theo đó, Synnex sẽ đầu tư để sở hữu 47% vốn điều lệ tại FPT Trading. Trong thương vụ mà FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD này, FPT nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, FPT Retail và FPT Trading vẫn phát triển tốt, và đầy triển vọng, nhưng vì muốn xây dựng hình ảnh FPT tập trung vào công nghệ nên Tập đoàn đã quyết định sẽ thoái vốn xuống còn dưới 50% tại hai con gà đẻ trứng vàng này.
Và đến nay, FPT đã chính thức hoàn tất việc thoái vốn. Thông tin liên quan đến các nhà đầu tư mới của FPT Trading và FPT Retail không được công bố, song phía FPT cho biết, đó là “những nhà đầu tư nhỏ lẻ”.