Tập đoàn này đã xác nhận sẽ tìm kiếm NĐT cho mảng bán lẻ, phân phối (FPT Retail và FPT Trading). Hiện tại, FPT đã ký hợp đồng với liên danh nêu trên làm nhà tư vấn thực hiện thương vụ bán cổ phần mảng bán lẻ và phân phối cho đối tác tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT, hoạt động kinh doanh mảng phân phối và bán lẻ của Tập đoàn đang rất tốt. “Tuy nhiên, theo chiến lược mà Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2015, FPT sẽ thực hiện việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ”, ông Phương nói và cho biết, FPT đã mời các đối tác tư vấn, định giá mảng bán lẻ và phân phối và đặt mục tiêu hoàn tất thực hiện thương vụ này trong năm 2016.
Năm 2015, khối phân phối - bán lẻ các sản phẩm công nghệ (gồm 2 mảng là phân phối và bán lẻ) có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 11% và 24%, đạt tương ứng 25.212 tỷ đồng và 729 tỷ đồng. FPT Trading vượt qua khó khăn của thị trường phân phối để duy trì doanh thu và lợi nhuận so với năm trước đó. Trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2015, FPT đã vận hành 252 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc, với doanh thu tăng 51%, lợi nhuận trước thuế tăng 335% so với năm 2014, vượt 47,5% kế hoạch.
Theo phê quyệt của HĐQT FPT về kế hoạch kinh doanh năm 2016, khối công nghệ và phân phối - bán lẻ được xác định là động lực tăng trưởng chính, cùng với hạ tầng viễn thông và các hoạt động nghiên cứu phát triển tiếp tục được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Tổng lợi nhuận của 2 khối viễn thông, phân phối - bán lẻ dự kiến tăng trên 20%.
Theo đại diện Tập đoàn, mục tiêu của việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ nhằm giúp FPT tăng cường đầu tư vào mảng cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông. Đồng thời, chiến lược này sẽ giúp FPT có thể tìm kiếm được các NĐT có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị quốc tế để cùng đẩy mạnh sự phát triển của mảng phân phối và bán lẻ - đang nhận được sự quan tâm lớn từ các NĐT, nhất là NĐT ngoại.