Theo đó, FPT Retail dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021 ngày 29/4, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự là 31/3.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thông qua việc cơ cấu lại các chi nhánh của Công ty. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ giữ nguyên chi nhánh tại Hà Nội và Đà Nẵng, dừng hoạt động đối với các chi nhánh tại các tỉnh, thành còn lại, doanh nghiệp công bố dự kiến có 60 chi nhánh sẽ dừng hoạt động trong thời gian tới.
Lý giải cho việc dừng hoạt động tới 60 chi nhánh, FPT Retail cho biết, do Công ty có nhu cầu mở các cửa hàng theo hệ thống chuỗi trên phạm vi cả nước, căn cứ quy định của luật hiện hành, các địa điểm kinh doanh chỉ được mở tại nơi công ty có trụ sở chính hoặc chi nhánh, vì vậy doanh nghiệp đã thành lập các chi nhánh ở tỉnh để mở cửa hàng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật mới sửa đổi đã cho phép doanh nghiệp được mở địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Do vậy, việc cơ cấu lại các chi nhánh theo hướng giảm bớt chi nhánh vẫn đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Trong năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 14.666,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,8% và 95% so với thực hiện trong năm 2019.
Như vậy, năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 28,4 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 12,9% kế hoạch lợi nhuận và cách rất xa kế hoạch mà doanh nghiệp đặt ra đầu năm.
Được biết, trong năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu đạt 15.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với thực hiện năm 2019.
Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản giảm 18,3% về chỉ còn 5.390,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 1.829,5 tỷ đồng, chiếm 33,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.501 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.489,7 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng tài sản.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/3, cổ phiếu FRT tăng 550 đồng lên 29.000 đồng/cổ phiếu.