Tích lũy nội lực
Fortex tiền thân là Công ty TNHH Dệt Đại Cường Thái Bình, thành lập ngày 30/10/2006, vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Đến năm 2013, Công ty chuyển đổi thành CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, với sự góp vốn của cổ đông sáng lập là Chủ tịch HĐQT, ông Lê Mạnh Thường.
Với đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư cán bộ trẻ có trình độ, năng lực và lòng nhiệt huyết “nói đi đôi với làm”, Fortex phát triển nhanh chóng. Vốn điều lệ của Fortex được gia tăng liên tục, đạt 430 tỷ đồng trong năm 2014, gấp gần 9 lần so với năm đầu thành lập, giúp Công ty có lợi thế lớn khi chuẩn bị được nguồn lực đáng kể để mở rộng sản xuất, nâng cấp đầu tư nhà máy và trang thiết bị. Fortex hiện đang quản lý và khai thác 3 nhà máy sợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, năng lực sản xuất 16.300 tấn sợi/năm.
Cụ thể, Nhà máy sợi thứ nhất đóng tại Lô A2, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, bao gồm 2 phân xưởng: phân xưởng OE có 800 roto với công suất sản xuất 720 tấn sợi/năm và phân xưởng sợi cotton có 2 vạn cọc sợi, sản xuất 2.760 tấn sợi/năm. Sản phẩm chủ yếu tại nhà máy này là sợi CD28, tất cả được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc...
Nhà máy sợi thứ hai đóng tại Lô A3, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, được đưa vào khai thác từ năm 2008, có 4 vạn cọc sợi, công suất thiết kế tối đa 6.120 tấn thành phẩm/năm. Thành phẩm của nhà máy thứ hai chủ yếu là các loại sợi chải kỹ CD32 và CM32, được xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...
Nhà máy sợi thứ ba là nhà máy lớn nhất của Fortex được đầu tư tại Khu công nghiệp Khí mỏ Tiền Hải chính thức đi vào hoạt động từ quý I/2011. Nhà máy có 5 vạn cọc sợi, công suất sản xuất 8.700 tấn sợi/năm. Sản phẩm sản xuất tại nhà máy thứ ba chủ yếu là sợi chải kỹ với các loại sợi như CD60 và CM 60. Tính đến thời điểm hiện tại, 97% sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu.
Hệ thống máy móc, thiết bị của Fortex hiện đại, đồng bộ, được nhập khẩu từ các hãng cung cấp thiết bị uy tín, danh tiếng như: Rieter, Uster - Thụy Sĩ; Toyota, Murata - Nhật Bản; Zinser - CHLB Đức... So với các doanh nghiệp khác, Fortex có ưu điểm là các hệ thống máy móc được tự động hóa, trong khi nhiều doanh nghiệp kéo sợi hiện nay vẫn dùng thiết bị, công nghệ lạc hậu, sản xuất từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước.
Máy chải Rieter - C60
Chính việc đầu tư bài bản vào nhà máy và dây chuyền sản xuất hiện đại, cùng với nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ổn định (bông Mỹ, bông Úc, bông Tây Phi) từ các nhà cung cấp lớn, có tên tuổi trên thế giới như Olam, Cargill, Ecom, Rienhart, Omni... đã giúp các sản phẩm sợi của Fortex đạt chất lượng ổn định theo tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu đến nhiều quốc gia khó tính trên thế giới.
Máy chải kỹ Rieter - E66
Cơ hội mới đầu tư vào ngành sợi
Theo kế hoạch, Fortex sẽ niêm yết trên HNX vào tháng 6 tới, đem lại cơ hội đầu tư vào ngành sợi cho các nhà đầu tư. Đối với Công ty, niêm yết là một cột mốc quan trọng để chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh về mọi mặt, chuẩn bị cho quá trình hội nhập.
Hiện tại, mới chỉ có 3 doanh nghiệp ngành sợi trở thành công ty đại chúng là Thành Công, Phong Phú và Sợi Thế Kỷ; cả 3 công ty này đều được nhà đầu tư chứng khoán đón nhận. Cổ phiếu của Fortex có thể là hàng hóa hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là khi sợi và dệt may nói chung là ngành được hưởng lợi khi Việt Nam tham gia TPP, trong khi Fortex là công ty kinh doanh hiệu quả với tiềm năng tăng trưởng lớn.
Máy sợi con Rieter - G35
Năm 2014, Fortex đạt doanh thu 840 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm 2013. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty tăng mạnh từ 6% lên gần 28%.
Máy đánh ống Muratec 21C
Sau khi niêm yết, hoạt động của doanh nghiệp sẽ ngày càng minh bạch và tiếp nhận thêm nguồn lực mới từ thị trường vốn, giúp Fortex hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một trong những doanh nghiệp nội dẫn đầu trong ngành sợi.
Sợi thành phẩm xuất khẩu