Fortex đã chốt được thời điểm chào sàn chưa thưa ông?
Fortex đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên sàn HOSE và được cấp mã chứng khoán FTM. Theo kế hoạch, Fortex sẽ sớm niêm yết sớm trong tháng 1/2017.
Ông Lê Mạnh Thường
Hiện Fortex nằm ở đâu trong chuỗi giá trị dệt may Việt Nam, thưa ông? So với những công ty trên thị trường quốc tế, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Fortex là gì?
Trên hành trình 15 năm, Fortex luôn kiên định với tầm nhìn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam. Đến nay, mục tiêu đã trở thành hiện thực khi Fortex trở thành một trong các công ty sản xuất sợi cotton hàng đầu Việt Nam, đang hướng tới chuỗi giá trị khép kín của ngành công nghiệp dệt may, đồng thời là đối tác đáng tin cậy của nhiều đơn vị trong nước lẫn quốc tế. Quy mô của Fortex tương đối lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành (ngoại trừ các doanh nghiệp FDI). Hiện Fortex nằm trong Top 4 các công ty sản xuất sợi cotton ở Việt Nam (110.000 cọc sợi).
Lợi thế cạnh tranh của Fortex đến từ chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh hợp lý vì chúng tôi đặt nhà máy tại khu vực có chi phí thấp (Thái Bình)…
Công ty có đang tìm kiếm đối tác hay nhà đầu tư vào thời điểm này, thưa ông?
Hoạt động kinh doanh chính của Fortex là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sợi bông, bao gồm sợi chải kỹ CM, sợi chải thô CD và sợi kết thúc mở OE, có doanh thu 1.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 45 triệu USD) một năm. Năng lực sản xuất hiện nay đang được sử dụng 100%.
Với đặc thù kinh doanh của ngành sợi, lợi thế kinh tế theo quy mô là yếu tố quan trọng đóng góp gia tăng lợi thế cạnh tranh và cải thiện lợi nhuận. Công ty đang tiếp tục đầu tư nhà máy sợi thứ 4 tại Khu công nghiệp Tiền Hải, với 50.000 cọc sợi, nâng công suất sản xuất từ 17.000 tấn lên 25.700 tấn sợi/năm. Chúng tôi đang tìm kiếm cả đối tác và nhà đầu tư với dự kiến tăng gấp đôi công suất vào năm 2020 và tích hợp theo chiều dọc vào chuỗi giá trị đầy đủ của ngành công nghiệp dệt may.
Phần lớn khách hàng của Công ty đến từ Trung Quốc, Fortex có kế hoạch gì trong việc phát triển thị trường Trung Quốc thời gian tới?
Khách hàng trong nước và thế giới đều công nhận chất lượng tốt và ổn định của Fortex. Chúng tôi sẽ tăng thêm 50% công suất trong năm 2017. Khách hàng của Fortex vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc và châu Á.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang có sự dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Điều gì hấp dẫn ở Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, thưa ông?
Tôi thấy đây là xu hướng tất yếu trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Bởi Việt Nam có nhiều điểm mạnh, lợi thế cạnh tranh về hạ tầng, chi phí, nguồn nhân lực phù hợp. Bên cạnh đó là nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ông, lợi thế về công nghệ mà ngành dệt may tại Việt Nam hiện có là gì?
Nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập với thế giới từ khá lâu nên thế giới có công nghệ nào là Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận được. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, năng động, ham học hỏi, chi phí hợp lý thấp...
Nếu TPP không được thông qua, diễn biến này sẽ ảnh hưởng ra sao tới ngành dệt may Việt Nam, theo ông?
Chúng tôi nghĩ rằng, nếu Việt Nam rời khỏi TPP, hoặc TPP bị hủy bỏ, các lợi ích không được nhiều như kỳ vọng so với khi có TPP. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi các lợi thế, lợi ích vốn có từ trước tới nay của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Thành lập năm 2002, hiện Fortex đang quy tụ hơn 1.000 công nhân viên lành nghề, sở hữu 3 nhà máy sợi cotton tại KCN Nguyễn Đức Cảnh và KCN Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tổng hệ thống kéo sợi của Fortex hiện lên đến 110.000 cọc sợi, tương đương công suất gần 17.000 tấn/năm. Fortex sản xuất và kinh doanh các loại sợi cotton, với doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 90%. Sản phẩm Fortex đạt chuẩn quốc tế và được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu... Thương hiệu Fortex đã được công nhận với nhiều danh hiệu như: Hàng Việt Nam chất lượng cao cho sản phẩm sợi cotton, Doanh nghiệp tiêu biểu về đổi mới công nghệ của tỉnh Thái Bình... cũng như được bảo hộ bởi Cục Sở hữu Trí tuệ cho mặt hàng sợi các loại.