Formosa còn phải xem xét giai đoạn I hoạt động có hiệu quả không rồi mới quyết định chính thức việc tăng vốn. Ảnh: Thế An

Formosa còn phải xem xét giai đoạn I hoạt động có hiệu quả không rồi mới quyết định chính thức việc tăng vốn. Ảnh: Thế An

Formosa cân nhắc nâng vốn đầu tư lên mức "khủng" 26 tỷ USD

Kế hoạch tăng vốn đầu tư Dự án Liên hợp Thép Formosa và Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) lên 26 tỷ USD vẫn đang được Formosa cân nhắc xem xét.

Formosa dù đã lên kế hoạch tăng tổng vốn đầu tư Dự án Liên hợp Thép và Cảng nước sâu Sơn Dương lên 26 tỷ USD, kế hoạch này cũng đã được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhắc đến mới đây, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Formosa cho biết, Tập đoàn vẫn đang “cân nhắc”. “Chúng tôi còn phải xem xét giai đoạn I hoạt động có hiệu quả không, sau đó cân đối tài chính thu - chi rồi mới quyết định chính thức”, đại diện của Formosa cho biết.

Formosa hiện quyết định dốc 10,5 tỷ USD để thực hiện giai đoạn I, Dự án Liên hợp Thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương, với quy mô 2 lò luyện cán thép, công suất 7 triệu tấn và 11 cầu cảng. Nếu kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 26 tỷ USD thành hiện thực, thì vào năm 2020, Dự án có 6 lò cao, sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn, còn Cảng Sơn Dương có quy mô 32 cầu cảng nước sâu, với lượng hàng hóa thông qua cảng là 85 triệu tấn/năm.

“Nếu mở rộng sản xuất, xây dựng thêm 4 lò nữa, thì sẽ tận dụng được hết các lợi thế về cơ sở hạ tầng, diện tích đất đai hiện nay. Tuy nhiên, để quyết định nâng vốn đầu tư, yếu tố thị trường rất quan trọng. Hiện, thị trường thép Trung Quốc đang dư thừa, phải bán dưới giá thành, nên sẽ khó khăn trong cạnh tranh”, đại diện của Formosa cho biết.

Trên thực tế, cũng vì những khó khăn trên thị trường thép, do dư thừa nguồn cung ở thị trường khu vực mà JFE, một đại gia của “làng thép” Nhật Bản đã quyết định chia tay với Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất, Quảng Ngãi), vốn đầu tư hiện tại là 3 tỷ USD, nhưng trong kế hoạch giai đoạn II sẽ tăng vốn lên 7 tỷ USD. Sau khi JFE dứt áo ra đi, chủ đầu tư hiện tại - Tập đoàn E-United (Đài Loan) cũng tuyên bố từ bỏ theo đuổi việc triển khai Dự án, khiến dự án thép lớn thứ hai tại Việt Nam hiện nay, sau Formosa, phá sản.

Hiện tại, Formosa hết sức nỗ lực để có thể đưa lò cao số 1 đi vào hoạt động trong cuối năm nay. Trong khi đó, kế hoạch sản xuất của lò cao số 2 là quý II/2017. Do vậy, ít nhất trong vòng 2 năm nữa, sẽ khó có chuyện Formosa tăng vốn lên 26 tỷ USD, khi mà Dự án chưa đi vào hoạt động ổn định, chưa chứng minh được hiệu quả sản xuất - kinh doanh cụ thể trong thực tiễn.

Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Liên hợp Thép Formosa có lẽ cũng còn trông chờ vào việc China Steel Corp. (Đài Loan) thực hiện kế hoạch nâng tỷ lệ cổ phần trong Dự án lên 25% từ mức 5% hiện tại, cũng như việc JFE mua 5% cổ phần trong dự án này. Cả China Steel và JFE đều là những “tay chơi” sừng sỏ trong làng thép thế giới, với thị phần và hệ thống khách hàng lớn trên toàn cầu, nên sự xuất hiện của hai đối tác này có thể sẽ giúp Formosa triển khai hiệu quả hơn Dự án Liên hợp Thép Formosa.

Còn trước mắt, là việc chuẩn bị nhập khẩu phôi thép Đài Loan chạy chử, để sẵn sàng cho việc vận hành thương mại vào cuối năm nay.

Để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy, Fomosa mới đây đã đưa Tổ máy đốt than số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Formosa, công suất 150 MW, đi vào hoạt động. Đây là 1 trong 5 tổ máy nhiệt điện với tổng công suất 650 MW, được Formosa triển khai trong giai đoạn đoạn I, Dự án Liên hợp Thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, các tổ máy sẽ cung ứng 470 MW phục vụ các hạng mục luyện thép trong giai đoạn I; 180 MW còn lại sẽ được bán cho EVN để hòa lưới điện quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, vào hôm khánh thành tổ máy này, đã khẳng định, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai các hạng mục của Liên hợp Thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương, đánh dấu giai đoạn mới của dự án này - giai đoạn đi vào sản xuất.

Ông Võ Kim Cự cũng là người đã đề nghị Formosa sớm triển khai giai đoạn II của Dự án, đặc biệt là triển khai xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Vũng Áng, nhằm tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ vừa được xây dựng.

Tuy nhiên, liên quan đến kế hoạch đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho dự án lọc dầu ở Hà Tĩnh, đại diện Formosa cũng cho biết, thị trường hiện cũng đã ở mức bão hòa, thậm chí là dư thừa, nên trước mắt, Tập đoàn sẽ xem xét đầu tư vào hạ nguồn trước, sau đó tiếp tục nghiên cứu nhu cầu của thị trường Việt Nam để ra các quyết định đầu tư.

“Trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi cũng đã báo cáo điều này”, đại diện của Formosa cho biết.

Tin bài liên quan