Ford tạo bước đệm lý tưởng cho CEO tương lai

Ford tạo bước đệm lý tưởng cho CEO tương lai

(ĐTCK) Trong tuần qua, Ford Motor, tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ hai của Mỹ, sau General Motors (GM) đã chính thức bổ nhiệm ông Mark Fields, 51 tuổi, hiện là Phó chủ tịch điều hành Ford kiêm Chủ tịch Ford khu vực châu Mỹ (gồm Mỹ, Canada, Mexico và các nước Nam Mỹ) vào chức nhà quản lý cao cấp (Chief Operating Officer - COO).

Đây được coi là một chuẩn bị hay là bước đệm lý tưởng để đưa ông Mark Fields vào chiếc ghế Giám đốc điều hành (CEO) trong tương lai không xa.

Ông này sẽ đảm nhiệm trọng trách mới bắt đầu từ ngày 1/12/2012. Trên cương vị COO, ông Mark Fields sẽ điều hành công việc hàng ngày của Tập đoàn, mọi bộ phận chính của Ford đều phải báo cáo trực tiếp ông, tức là trên thực tế, ông sẽ đảm nhiệm một phần việc của CEO. Đứng ở góc độ nào đó, đây là cơ hội để ông tập dượt hay để Ford thử thách năng lực lãnh đạo. Còn ở khía cạnh khác, ông cũng góp phần giảm tải cho ông Alan Mullaly, CEO đương nhiệm. Ông Alan Mullaly sẽ tập trung vào xây dựng các chiến lược dài hạn.

Để xua tan những tin đồn, phỏng đoán không có lợi, ông William Clay Ford Jr., Chủ tịch Ford khẳng định, ông Alan Mulally sẽ tiếp tục là “thuyền trưởng” (CEO) của Tập đoàn ít nhất đến năm 2014.

Trong lễ công bố quyết định bổ nhiệm COO, ông William Clay Ford Jr. phát biểu: “Việc bổ nhiệm COO và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt mới sẽ giúp chúng tôi tiếp tục gặt hái thành công với Chiến lược One Ford (Một Ford). Sức mạnh của tập thể và sự ổn định của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt là những lợi thế cạnh tranh của Ford. Chúng tôi may mắn khi Alan Mulally tiếp tục dẫn dắt, cũng như các lãnh đạo cấp cao tài năng của Ford đang phát triển và xây dựng một kế hoạch bền vững”.

Ông Jesse Toprak, Phó chủ tịch TrueCar.com, một công ty cung cấp mọi thông tin trực tuyến về ô tô có trụ sở tại Santa Monica (bang California ) nhận xét: “Ông Mark Fields còn trẻ, đầy nhiệt huyết và đáp ứng được hết các yêu cầu mà Tập đoàn đặt ra”.

Ông Mark Fields sinh ra tại Paramus, bang New Jersey , gia nhập Ford sau một vài năm làm việc ở Tập đoàn công nghệ IBM. Ông có bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Rutgets và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Harvard lừng danh.

Mark Fields bắt đầu sự nghiệp của mình tại Ford với cương vị giám đốc tiếp thị của dòng xe Thunderbird vào năm 1989. Như vậy, tính đến nay, ông đã có 23 năm làm việc liên tục cho Ford. Lý do mà ông chọn làm việc với Ford sau khi nhận bằng MBA là vì đam mê với... xe hơi.

Mark Fields là lãnh đạo điều hành người Mỹ đầu tiên dẫn dắt Hãng sản xuất ô tô Mazda (Nhật Bản) trong các năm từ 1998 đến 2002, khi Ford sở hữu số cổ phần lớn của hãng này. Năm 2005, khi được điều động từ châu Âu về Mỹ để tiếp quản cương vị Chủ tịch Ford châu Mỹ, Mark Fields đã mạnh dạn cam kết sẽ mang đến kết quả tốt hơn. Sau đó, năm 2006, Ford đã mời ông Alan Mullay về làm CEO. Khi đó đã có không ít ý kiến cho rằng, 2 ông Alan Mullay và Mark Fields sẽ khó lòng hoà hợp nhau trong công việc. Thế nhưng, trên thực tế, Mark Fields lại hợp tác rất ăn ý với Alan Mullay và có những bước trưởng thành đáng kể dưới phong cách quản lý của Alan Mulally.

Không thể phủ nhận một thực tế là, dấu ấn và cái bóng của ông Alan Mulally ở Ford hiện quá lớn, nên không dễ tìm ngay được người thay thế ông. Alan Mulally là một trong những vị CEO tài ba và đáng nể nhất trong giới kinh doanh nói chung và ngành ô tô quốc tế nói riêng. Mặc dù không có kinh nghiệm về ô tô (ông xuất thân là kỹ sư hàng không và trải qua 36 năm, gần như cả sự nghiệp của mình ở bộ phận máy bay thương mại của Boeing), nhưng ông đã đưa Ford qua cơn khủng hoảng, không những tránh được nguy cơ phá sản, mà còn cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ lớn như GM, Toyota.

Sau khi trở thành CEO vào tháng 9/2006, Alan Mulally đã từng bước cải thiện được tình hình kinh doanh. Và điều quan trọng hơn cả là Alan Mulally đã dẹp tan được các cuộc đấu đá, tranh chấp quyền lực trong nội bộ, phát triển văn hóa làm việc hoà hợp giữa các nhà quản lý cấp cao trong Tập đoàn.

Còn ông Mark Fields từ tháng 10/2005 đến nay, luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, khi thị trường Mỹ luôn đem lại doanh thu và lợi nhuận cao cho Ford. Đây hiện là bộ phận sinh lời nhiều nhất của Ford. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý III/2012 của Ford khu vực châu Mỹ đạt 2,3 tỷ USD. Trong 3 năm gần đây, Ford có lãi 29,5 tỷ USD, phần lớn là từ thị trường Mỹ. Chính vì thế mà ông mới được trao chức COO.

Thực ra, vị trí COO của Ford đã bị khuyết từ năm 2006, khi ông Jim Padilla về hưu. Nay Ford lại thiết lập lại chức danh COO và để cho ông Mark Fields thi thố. Bệ phóng đưa ông vào chức CEO đã rõ ràng, còn việc ông có vươn lên chức này được hay không thì chưa ai nói trước được.