Forbes dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017, cho thấy tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ... Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào 2017, tương đương tăng 70%.
Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Ở giai đoạn này, Việt Nam lại là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010. Mức tăng tại Ấn Độ là 37,2%.
Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Lượng tiêu thụ rượu toàn cầu giai đoạn 2010-2017. Ảnh: Forbes.
Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
Báo cáo của Tạp chí y khoa Lancent cũng chỉ ra, lượng dung nạp đồ uống có cồn đang chững lại ở các quốc gia ở các quốc gia phát triển, như Nga, Anh, Canada. Còn tại Mỹ tốc độ tăng tiêu thụ loại đồ uống này khá thấp, khoảng 5,4% từ năm 2010.
Tính bình quân đầu người thì Moldova là quốc gia có mức tiêu thụ rượu lớn nhất, 15 lít, và thấp nhất là Kuwait với 0,005 lít mỗi năm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tỷ lệ người không sử dụng rượu trên toàn cầu giảm 3% trong 17 năm, ở mức 43% năm 2017.
Cũng theo nghiên cứu này, tới năm 2030 châu Âu sẽ không còn là khu vực có mức tiêu thụ rượu cao nhất.