FMC, bên thâu tóm được gì?

FMC, bên thâu tóm được gì?

(ĐTCK) Theo Báo cáo thường niên năm 2011, đến ngày 23/12/2011, cổ đông cá nhân chiếm hơn 53% cổ phần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) và cổ đông pháp nhân chiếm 29,4% cổ phần, còn lại là cổ đông nhà nước.

FMC, bên thâu tóm được gì? ảnh 1

Một tổ chức hay nhóm nhà đầu tư hoàn toàn có khả năng thâu tóm FMC nếu muốn. Và trên thực tế, diễn biến giao dịch cổ phiếu FMC gần đây cho thấy, nhiều khả năng công ty này đang được một nhóm cổ đông thâu tóm.

Điều đáng mừng là nhóm lãnh đạo cũ chấp nhận việc thâu tóm Công ty một cách khá cởi mở như trong thư gửi cổ đông, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC khẳng định: giả sử có nhóm nhà đầu tư thu tóm, thì việc này không gây bất lợi cho hoạt động của FMC.

Vậy nhóm nhà đầu tư thâu tóm FMC sẽ được lợi gì? Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của FMC, mặc dù quý I/2012 Công ty bị lỗ, nhưng doanh thu 5 tháng đã đạt 27,5 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chế biến tương đương sản lượng tiêu thụ, đạt hơn 2.300 tấn. Lý do FMC lỗ là vì giá đầu vào tăng cao, trong khi giá bán giảm. Lĩnh vực nuôi tôm của Công ty bị thiệt hại nặng nề khi giá tôm thế giới giảm, do các nước trúng mùa tôm. Như vậy, với doanh thu lớn, nếu cải thiện được khâu quản lý chi phí đầu vào, cải thiện chất lượng nuôi tôm, thì lợi nhuận của FMC dự kiến sẽ tăng lên. Năm 2011, FMC lãi 28,3 tỷ đồng trên vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Chỉ cần tăng 1% tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, thì lợi nhuận của FMC sẽ tăng lên đáng kể. Để làm được điều này, Công ty cần có những nhân sự có kinh nghiệm trong nghề, có kinh nghiệm nuôi trồng và kinh doanh thủy sản, nhất là con tôm.

Trong Báo cáo thường niên, FMC xác định, năm 2012 là năm diện tích nuôi tôm có khả năng được phục hồi, công nghệ nuôi tôm mới hiệu quả và an toàn hơn sẽ hình thành. Do vậy, năm 2012 có thể là năm tăng tốc về sản lượng chế biến, tiêu thụ của Công ty. Nhưng xem ra, mục tiêu này sau 5 tháng đầu năm chưa đạt được.

Ngoài kết quả kinh doanh, tài sản đáng chú ý hơn của FMC, đúng như Chủ tịch HĐQT công ty này chỉ ra là, Công ty vừa được cấp dự án nuôi tôm khoảng 100 héc-ta nằm ngay sát bờ biển tại Sóc Trăng. Nếu nhà đầu tư mới tiếp tục đầu tư tài chính, FMC sẽ tự chủ được một phần tôm nguyên liệu sạch.

Với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng, bên thâu tóm FMC chỉ cần bỏ ra số vốn khoảng 70 tỷ đồng để thâu tóm Công ty với mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu trở xuống. Nhưng bù lại, bên thâu tóm có quyền sử dụng tài sản là nhà máy chế biến và diện tích nuôi trồng khá lớn với hơn 100 héc-ta. Trong khi đó, sau khi hoàn thành đầu tư, 1 héc-ta diện tích nuôi tôm có giá khoảng 1 tỷ đồng. Tất nhiên, bên thâu tóm cũng phải “tiếp nhận” những khoản phải trả của FMC.

Vậy ai là bên thâu tóm FMC? Sau thông tin Công ty TNHH NDH Viet Nam chính thức trở thành cổ đông lớn của FMC, thì dư luận hướng sự quan tâm đến nhóm nhà đầu tư là các tổ chức liên quan đến NDH Viet Nam, các quỹ của SSI và các công ty thủy sản mà nhóm cổ đông cá nhân và tổ chức này đầu tư vào.

Trên thực tế, nhóm nhà đầu tư này, với trụ cột là SSI và CTCP Thủy sản Hùng Vương đã đầu tư và thâu tóm một vài công ty thủy sản xuất khẩu khác. Trong đó, không loại trừ khả năng FMC cũng là một mục tiêu. Nhưng có thể Thủy sản Hùng Vương không phải là bên “cầm trịch” trong thương vụ thâu tóm trên, mà nhiệm vụ này được chuyển giao cho một công ty khác trong ngành.

Xét về chiến lược, việc thâu tóm FMC hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Thủy sản Hùng Vương và công ty liên kết, là hình thành chuỗi giá trị khép kín từ chế biến thức ăn, nuôi trồng, chế biến thủy sản và xuất khẩu.

Giá cổ phiếu FMC đã tăng khá mạnh kể từ sau khi thông tin bị thâu tóm loang ra. Tuy nhiên, nếu như ý đồ thâu tóm là thật thì dường như, thương vụ này gần như đã hoàn tất và bên thâu tóm không dại gì mua cổ phiếu FMC với giá cao.