FLC: Thị trường chứng khoán là “bà đỡ” tuyệt vời

FLC: Thị trường chứng khoán là “bà đỡ” tuyệt vời

(ĐTCK) Tròn 5 năm kể từ khi niêm yết lần đầu trên thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã trở thành ví dụ tiêu biểu cho thấy, nếu biết tận dụng cơ hội hợp lý, thị trường chính là “bà đỡ” tuyệt vời cho các doanh nghiệp phát triển và những công trình quy mô lớn được hiện thực hóa.

Quy mô tăng mạnh

Đầu tháng 10/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã tổ chức lễ tri ân vinh danh ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC về những đóng góp của cá nhân ông và FLC với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Tại sự kiện này, ông Quyết chia sẻ: thành công của Tập đoàn FLC ngày hôm nay là nhờ một phần công rất lớn của thị trường chứng khoán.

Còn nhớ, 5 năm trước, ngày 5/10/2011, phát biểu tại Lễ niêm yết cổ phiếu FLC, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước đang gặp nhiều khó khăn, hàng loạt mã cổ phiếu bị sụt giảm giá mạnh, ông Quyết vẫn cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn tốt trong dài hạn.

“Tôi cho rằng, khó khăn của thị trường chỉ là vấn đề trước mắt. Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn ổn định, lâu dài, chứ không phải chỉ trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, triển vọng của thị trường vẫn rất tốt, các cổ phiếu có chất lượng sẽ trở về đúng giá trị thực của nó”, ông Quyết nói.

FLC: Thị trường chứng khoán là “bà đỡ” tuyệt vời ảnh 1

Thực tế 5 năm phát triển đã qua của FLC cho thấy, những nhận định ngày đầu niêm yết của ông Quyết về cơ hội huy động vốn phục vụ tăng trưởng doanh nghiệp đã đúng.

Khi mới niêm yết, FLC được biết đến với một dự án bất động sản đã trình làng là FLC Landmark Tower, ngoài ra là một số dự án bất động sản khác tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ) mới ở giai đoạn hoàn thành và chuẩn bị hoàn thành thủ tục dự án.

Năm 2010, năm liền trước khi lên niêm yết, FLC có doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng là 32,2 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng. Năm 2011, năm đầu tiên niêm yết, FLC đạt 136 tỷ đồng doanh thu và gần 12,44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Những con số này nếu so sánh với quy mô doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn ở thời điểm hiện nay, chắc ít người có thể tin, đó lại cùng là một doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016 của Tập đoàn cho thấy, 9 tháng đầu năm, FLC đã đạt 4.708 tỷ đồng doanh thu thuần, 844,57 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đặc biệt, đến đầu tháng 11, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc FLC cho biết, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 trước 2 tháng.

Để có được sự thay đổi này, FLC có lẽ là một trong số những công ty niêm yết tận dụng thành công nhất cơ hội trên thị trường chứng khoán về tăng vốn điều lệ.

Với việc tăng vốn thành công qua các năm, chỉ trong một thời gian ngắn, FLC đã gây được tiếng vang lớn khi thực hiện M&A thành công các dự án bất động sản nhà ở lớn tại Hà Nội như: FLC Garden City, FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Twin Towers, FLC Star Tower, FLC Eco House… Việc đẩy mạnh M&A đúng vào giai đoạn đáy của thị trường bất động sản đã giúp FLC nhanh chóng sở hữu trong tay quỹ dự án nhà ở lớn, có vị trí đẹp với chi phí thấp. Đây là điều đặc biệt quan trọng giúp FLC tận dụng được cơ hội bùng nổ của thị trường bất động sản để tăng doanh thu, lợi nhuận cho cổ đông.

Không chỉ tận dụng được cơ hội thị trường trong M&A, cũng nhờ lợi thế nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, Tập đoàn FLC đã đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở, khu công nghiệp lớn trên khắp cả nước như: Thanh Hóa, Bình Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… Trong vòng 2 năm, FLC đã đưa vào khai thác 3 quần thể du lịch nghỉ dưỡng - sân golf lớn như: FLC Thanh Hóa, FLC Quy Nhơn, FLC Vĩnh Thịnh Resort… và sắp tới là FLC Quảng Ninh.

Chỉ sau 5 năm, FLC đã thành công trong việc định vị hình ảnh trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô lớn, tốc độ thi công nhanh và đặc biệt, sản phẩm có tính khai mở tiềm năng vùng lớn. 

Tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận

Việc thuận lợi trong huy động vốn đã giúp FLC sở hữu được quỹ dự án lớn ngay trước giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản, với chi phí thấp, vị trí đẹp và tiết kiệm thời gian làm thủ tục hành chính. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp FLC có thể sớm đẩy sản phẩm ra thị trường.

Còn nhớ, đầu năm 2014, FLC công bố mua vào dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng với mức giá không được tiết lộ, nhưng được cho là thấp hơn khoảng 50% so với giá mua mà đối tác từng được trả. Ngay sau đó, Tập đoàn cũng công bố giá bán dự kiến cho dự án này là 23 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT). Đây là mức giá đưa ra đủ để FLC có lãi. Thế nhưng, con số thực tế FLC Complex 36 Phạm Hùng bán lại ở quanh mức 28 triệu đồng/m2, trong khi dự án vẫn cháy hàng. Việc có được sản phẩm đúng lúc thị trường bùng nổ, các chủ đầu tư khác không kịp trở tay bung hàng đã giúp Tập đoàn ghi nhận lợi nhuận lớn.

FLC không chỉ được hưởng lợi như vậy từ thị trường chứng khoán.

Cùng với tốc độ thi công nhanh, M&A hàng loạt dự án đúng thời điểm và việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đã giúp tên tuổi FLC được đông đảo nhà đầu tư biết đến. Chính điều này đã tạo thuận lợi cho công tác bán hàng các dự án mà FLC đầu tư, không chỉ ở Hà Nội, mà còn các địa phương khác.

FLC Complex 36 Phạm Hùng cháy hàng, FLC Garden City được đối tác đặt mua trọn, FLC Twin Towers bán hết hàng ngay từ khi chưa mở bán, FLC Sầm Sơn được khách đặt mua khoảng 300 căn ngay ngày đầu mở bán, hay FLC Quy Nhơn, FLC Quảng Ninh… lần lượt được Tập đoàn công bố con số ấn tượng về kết quả bán hàng.

Trong cuộc trao đổi với đoàn nhà báo nước ngoài hồi tháng 9 vừa qua, trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về việc làm sao FLC có thể triển khai hàng loạt dự án lớn, với quy mô tổng giá trị tài sản các dự án đầu tư là trên 3 tỷ USD, nhưng vay nợ thấp, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, bán hàng chính là một trong những bí quyết. Đây cũng chính là yếu tố giúp FLC có lợi nhuận tăng mạnh trong các năm vừa qua. 

Chắp cánh các dự án quy mô khủng

Không có thị trường chứng khoán, FLC vẫn là một doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhưng hướng đi có thể sẽ khác. Để có thể là chủ đầu tư những công trình có quy mô hàng nghìn tỷ đồng như hiện nay, không thể phủ nhận, vai trò của thị trường chứng khoán là rất lớn.

Với quy mô vốn trước khi niêm yết, sẽ rất rủi ro nếu FLC lựa chọn đầu tư vào những dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn như hiện nay, do đòn bẩy tài chính lớn và đặc biệt khi quan điểm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp là không phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. FLC đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi quyết định đầu tư lớn vào Sầm Sơn, Thanh Hóa để biến những vùng biển này thành địa điểm thu hút du lịch bốn mùa; biến Quy Nhơn, Bình Định từ một vùng đất với đầy đủ tiềm năng du lịch, nhưng thiếu hạ tầng trở thành từ khóa du lịch “hot” nhất của năm 2016.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Tập đoàn FLC, ông Quyết đã cho rằng, mỗi sự vật, hiện tượng tồn tại trên cuộc đời này đều có sứ mệnh riêng và “góp phần làm đẹp cho đời, có ích cho xã hội là con đường, sứ mệnh mà FLC và cá nhân mình cần thực hiện” và tin rằng “trong 15 năm tiếp theo, FLC sẽ vẫn tiếp nối câu chuyện: ở đâu có bãi biển đẹp, có tiềm năng du lịch, ở đó có dự án của FLC”.

Trong hành trình thực hiện sứ mệnh ấy, thị trường chứng khoán có lẽ chính là bệ đỡ rất quan trọng của FLC.

Tin bài liên quan