Fitch Ratings: Tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam “chưa rõ ràng”

Fitch Ratings: Tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam “chưa rõ ràng”

(ĐTCK) Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng mà Chính phủ đang theo đuổi là tích cực cho hệ thống tài chính của Việt Nam, tuy nhiên, những đề xuất còn chưa thực sự rõ ràng, Fitch Ratings nhận định.

Cũng theo Fitch, mức độ thiếu chắc chắn trong cam kết và khả năng theo đuổi đến cùng các đề xuất, sẽ đặt ra những rủi ro không nhỏ trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam, Chính phủ có kế hoạch mua lại nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, áp dụng các biện pháp nhằm tăng vốn, đồng thời xem xét sáp nhập các ngân hàng yếu.

Fitch nhận định, “năng lực vốn yếu, thanh khoản chặt và chất lượng tài sản đi xuống là vài trong số những điểm đáng lo ngại nhất về hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Bởi thế, những nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề này được hưởng ứng tích cực”.

Hãng này cho rằng, hệ thống tài chính nói chung của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vì tái cơ cấu có thể sẽ làm giảm nguy cơ mất thanh khoản của những ngân hàng nhỏ.

“Những ngân hàng nhỏ của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động cho vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng nên có thể gây ra sự đứt gãy có ảnh hưởng rộng đối với hệ thống trong trường hợp những ngân hàng nhỏ này mất thanh khoản. Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và niềm tin vào đồng nội tệ”, thông cáo đề ngày 7/3 của Fitch được hãng tin Reuters đăng tải có đoạn viết.

Theo nhận định của Fitch, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Tổ chức này cho rằng, nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn hơn gấp 4 lần nếu tính theo chuẩn kế toán quốc tế so với tính theo chuẩn của Việt Nam như hiện nay.

Sự thiếu vắng một kế hoạch tái cơ cấu chi tiết là điểm khiến các nhà phân tích của Fitch lo ngại. “Hiện chưa có chi tiết cụ thể nào về thời điểm Chính phủ có thể khởi động các vụ sáp nhập, quy mô của kế hoạch mua nợ xấu hay mức giá mà Chính phủ sẽ trả để mua số nợ xấu đó. Không có những chi tiết này thì không thể cân đong đo đếm được xem các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng sẽ đem lại lợi ích ra sao cho hệ thống”, báo cáo viết.

Ngoài ra, Fitch cũng quan ngại về việc, cam kết của Chính phủ trong việc theo đuổi kế hoạch tái cơ cấu và khả năng của Chính phủ hấp thụ số nợ xấu tại các ngân hàng cũng là những điểm chưa rõ ràng.

Fitch cho biết, định hạng tín nhiệm dài hạn B+ mà tổ chức này dành cho Việt Nam phản ánh những rủi ro từ mức lạm phát cao so với tăng trưởng GDP cũng như nghĩa vụ nợ ở mức cao của các doanh nghiệp quốc doanh và ngân hàng của Việt Nam. Mặc dù vậy, Fitch đánh giá những biện pháp cải cách hệ thống tài chính là một bước đi tích cực của Chính phủ và cho rằng, những bước đi này sẽ có tác động tới cân đối tài chính của Việt Nam.