Cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã xếp tín nhiệm hàng đầu của Mỹ vào theo dõi tiêu cực, phản ánh sự không chắc chắn xung quanh cuộc tranh luận về trần nợ hiện tại và khả năng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang đàm phán nâng trần nợ của Mỹ dù chưa đạt được thỏa thuận nào. Với việc Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng Mỹ có thể không thanh toán được các nghĩa vụ thanh toán của mình ngay sau ngày 1/6, nước này phải đối mặt với khả năng xảy ra một vụ vỡ nợ chưa từng có, điều này có thể gây ra những tác động tai hại cho cả Mỹ và trên toàn thế giới.
Nước Mỹ có xếp hạng tín dụng hoàn hảo từ Fitch Ratings và Moody’s nhưng không phải vì nền tài chính cơ bản của nước này. Những thứ đó trông có vẻ lộn xộn và là trung tâm của việc hạ xếp hạng tín nhiệm chưa từng có của S&P Global Ratings vào năm 2011. Núi nợ và chi phí lãi vay của Mỹ chỉ trở nên tồi tệ hơn kể từ đó.
Thay vì các nguyên tắc cơ bản, xếp hạng AAA thực sự dựa trên vị thế ưu việt của Mỹ trong thế giới tài chính. Đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu và trái phiếu Kho bạc Mỹ được xem là tài sản phi rủi ro trong suy nghĩ của các nhà đầu tư, đây là hai đặc điểm mang lại cho Mỹ sức mạnh tài chính vô song.
“Xếp hạng theo dõi tiêu cực phản ánh tinh thần chia rẽ chính trị gia tăng đang cản trở việc đạt được giải pháp tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ mặc dù ngày 1/6 sắp đến rất nhanh”, Fitch Ratings cho biết.
Fitch Ratings lưu ý rằng họ vẫn mong các quan chức Washington đưa ra giải pháp trước thời hạn.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng rủi ro đã tăng lên khi giới hạn nợ sẽ không được nâng lên hoặc tạm dừng trước ngày 1/6 và do đó, chính phủ có thể bắt đầu bỏ lỡ các khoản thanh toán đối với một số nghĩa vụ của mình”, Fitch Ratings cho biết.
Thông báo được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán về trần nợ giữa các nhóm đại diện cho Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không đạt được thỏa thuận.
Vào thứ Tư (24/5), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng các cuộc thảo luận về việc tăng giới hạn nợ đang tiến tới một thỏa thuận, nhưng cả hai bên vẫn tiếp tục xung đột về vấn đề chi tiêu.
Năm 2011, S&P Global Ratings lần đầu tiên hạ xếp hạng tín nhiệm đối với Mỹ xuống AA+. Hơn một thập kỷ sau, S&P vẫn chưa khôi phục xếp hạng đối với Mỹ.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ vỡ nợ có thể gây chấn động khắp nền kinh tế toàn cầu và có khả năng gây ra suy thoái. Điều đó có thể có nghĩa là chi phí đi vay cao hơn đối với chính phủ và bản thân người Mỹ và là lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.