CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) dẫn đầu trong bảng thống kê các doanh nghiệp niêm yết có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 2019 cao nhất so với năm trước.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất cả năm hơn 1.181 tỷ đồng, giảm 26% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 92,08 tỷ đồng, trong khi năm 2018 là âm 9,31 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 70,23 tỷ đồng, tăng 2.360% so với 2018.
Sở dĩ doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế của FIT vẫn leo dốc mạnh mẽ là nhờ khoản doanh thu tài chính tăng 34%, đạt 200 tỷ đồng.
Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là doanh thu từ hoạt động hợp tác đầu tư với 93,3 tỷ đồng, tăng 163,4%.
Bên cạnh đó, FIT tiết giảm đáng kể các khoản chi phí: chi phí tài chính giảm 23%; chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 27% và 17%.
Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá cũng giảm mạnh 78,8%, xuống còn 2,5 tỷ đồng, so với 11,8 tỷ đồng năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận khác tăng thêm 10 tỷ đồng so với năm 2018.
Đáng chú ý, dù lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2018 (lãi 296 triệu đồng), nhưng kết quả mà FIT đạt được năm 2019 thực tế vẫn thấp hơn giai đoạn 2014 - 2017.
Đi cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận, giá cổ phiếu FIT cũng có bước đi phi mã trên sàn chứng khoán, khi tăng gần 295% trong năm 2019, chốt phiên giao dịch cuối năm ở 10.100 đồng/cổ phiếu, trở thành một trong những mã tăng mạnh nhất năm.
Hiện tại, giá cổ phiếu FIT đã có sự điều chỉnh, giao dịch ở mức 7.750 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2019, cổ đông lớn là CTCP Phát triển bất động sản DPV đã hoàn tất thoái vốn tại FIT sau khi bán ra toàn bộ 31 triệu cổ phiếu (tương đương 12,16% vốn điều lệ).
Theo đó, DPV thu về xấp xỉ 105 tỷ đồng, chấp nhận chịu lỗ khoảng 190 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIT, ông Nguyễn Văn Sang cho biết muốn mua 10 triệu cổ phiếu FIT nhằm sở hữu 3,92% vốn điều lệ.
Ông Sang đã mua thành công khoảng 3,1 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 3 - 31/1/2020 và tiếp tục đăng ký mua nốt lượng cổ phiếu còn lại trong khoảng thời gian từ 6/2 - 6/3/2020.
Tương tự FIT, đà tăng trưởng lợi nhuận “thần tốc” của CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (PXL) cũng nhờ thu nhập khác.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, năm qua, doanh thu thuần của PXL giảm 61% so với năm trước đó, đạt 18,2 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán đã đạt 16,6 tỷ đồng.
Do đó, lãi gộp chỉ còn 1,5 tỷ đồng, giảm 74% so với năm trước. Sở dĩ doanh thu giảm mạnh là bởi doanh thu bán bất động sản của PXL giảm 62,3%, chỉ còn 13,9 tỷ đồng năm 2019
Dù vậy, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 53,6%, trong khi chi phí tài chính và các chi phí khác giảm xuống nên Công ty vẫn báo lãi sau thuế 11,8 tỷ đồng.
Trong phần doanh thu hoạt động tài chính gia tăng, chủ yếu tới từ lãi tiền gửi, tiền cho vay với 6,7 tỷ đồng, tăng 131%, thu nhập từ hợp tác kinh doanh tăng 52,7%, đạt 11 tỷ đồng.
PXL cho biết, dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt thấp, nhưng doanh thu hoạt động tài chính cả năm 2019 tăng cao hơn năm 2018, xuất phát từ việc Công ty tích cực thu hồi công nợ tồn đọng, thu tiền khách hàng đợt bàn giao căn hộ tại Dự án Long Sơn Building (quận 7, TP.HCM), nên phát sinh lợi ích kinh tế từ hoạt động tiền gửi ngân hàng, làm cho lợi nhuận kế toán của năm 2019 cao hơn 2018.
Với việc doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính đi xuống, lãi chủ yếu từ hoạt động tài chính, PXL cho biết, Công ty sẽ tiếp tục triển khai công tác thu hồi công nợ, thực hiện thu tiền khách hàng và bàn giao căn hộ tại Dự án Long Sơn Building (quận 7, TP.HCM).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc cho thuê mặt bằng trung tâm thương mại 6 tầng tại Long Sơn Building để sớm đưa vào hoạt động, từ đó nâng cao giá trị tòa nhà.
Trên sàn, trong 1 năm qua, giá cổ phiếu PXL đã tăng 177,98%, hiện giao dịch ở mức 7.600 đồng/cổ phiếu.
Top 20 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận cao nhất năm 2019 (đơn vị: tỷ đồng).