Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp như ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Fintech cung ứng đã và đang thu hút được các đối tượng khách hàng đa dạng, không chỉ là các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính truyền thống, mà đặc biệt là các khách hàng còn gặp hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do những rào cản về thủ tục hoặc địa lý như những người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Các thành phần chính trong hệ sinh thái Fintech bao gồm Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính. Theo đó, các thành phần này vừa đóng góp thế mạnh riêng của mình vào Fintech, vừa đồng thời hưởng các lợi ích từ Fintech mang lại.
Tại Việt Nam, bên cạnh loại hình Fintech trong lĩnh vực thanh toán, còn xuất hiện một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những loại hình Fintech khác như gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado, FirstStep...), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Trust Circle), chuyển tiền (remit.vn), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (BankGo, Moneylover, Mobivi...), cầm đồ online (F88)... Có thể thấy, lĩnh vực Fintech là một lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam xét theo quy mô dân số và lợi thế so sánh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng ban chỉ đạo về Fintech
Tuy nhiên, ngoại trừ hoạt động Fintech trong lĩnh vực thanh toán đã bước đầu có khuôn khổ pháp lý, các lĩnh vực Fintech khác hiện chưa có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để gia nhập thị trường và phát triển kinh doanh bền vững.
Trên thực tế, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề, cũng như đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của các công ty này.
Cụ thể, từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động chính thức cho 21 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đã có sự quan tâm đặc biệt và đưa ra các chính sách, kế hoạch, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech một cách bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các thành viên đến từ các Vụ, Cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu đề xuất tới Thống đốc các giải pháp cho các doanh nghiệp Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái, cơ chế quản lý để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển hiệu quả và lành mạnh.