FinTech Việt từ góc nhìn Hàn Quốc: Luôn có thách đố, nên cần quả cảm

FinTech Việt từ góc nhìn Hàn Quốc: Luôn có thách đố, nên cần quả cảm

(ĐTCK) Dù có những thách thức, cản trở lúc triển khai, nhưng bằng quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, Hàn Quốc hiện được đánh giá là quốc gia có công nghệ lớn mạnh và những ích lợi của nền tảng này mang lại cho quốc gia là điều khó có thể tưởng tượng được”. 

Nỗ lực thúc đẩy ngân hàng số

Tại Korea ICT Day 2018 với chủ đề “Vai trò đòn bẩy của FinTech và ICT trong chuyển đổi số” do Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến công nghệ thông tin Hàn Quốc (NIPA) và Trung tâm FinTech Hàn Quốc phối hợp tổ chức, ông Kim Do-Hyon, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Thời điểm Chính phủ Hàn Quốc quyết định đẩy mạnh công nghệ tài chính cũng vấp phải những ý kiến cho rằng, chỉ cần duy trì những lĩnh vực đang sẵn có. Tuy nhiên, các chính sách được đánh giá là quả cảm của Chính phủ đã đưa nền công nghệ Hàn Quốc phát triển như hiện nay”.

Là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu thế giới, Hàn Quốc không hề chậm chân trong cuộc đua số hóa ngân hàng trên thế giới với sự ra mắt của Kakao Bank cuối tháng 7/2017. Ông Jung Yoo Shin, Chủ tịch Trung tâm FinTech Hàn Quốc cho biết, trong 1 tháng đầu tiên, Kakao Bank đã thu hút 3 triệu người dùng.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ VietFinTech cho biết, với lượng tiền gửi lên tới 2 nghìn tỷ won (tương đương 1,78 tỷ USD) và cho vay tới 1,8 nghìn tỷ won, Kakao Bank đã cung cấp các dịch vụ cơ bản như các ngân hàng truyền thống, từ mở tài khoản, chuyển khoản qua Kakao Talk - một ứng dụng tin nhắn trên điện thoại có chung công ty mẹ với Kakao Bank, cho vay nợ tín dụng và cho tiểu thương vay. Sức hấp dẫn của Kakao đến từ quy trình mở tài khoản dễ dàng, lãi vay thấp, lãi tiền gửi cao và phí chuyển khoản nước ngoài thấp.

“Ngoài ra, Hàn Quốc có tăng trưởng rất nhanh chóng về số lượng người sử dụng điện thoại và sử dụng 3G/4G. Tính tới cuối năm 2016, có tổng cộng 61 triệu thuê bao di động tại Hàn Quốc, trong đó gần 52 triệu thiết bị có dịch vụ 3G/4G. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, dự kiến lượng khách hàng sử dụng Kakao Bank sẽ còn tăng trưởng hơn nữa”, bà Dương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Dương, quy trình định danh khách hàng của Kakao Bank khá khác biệt với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, khách hàng không cần phải tới gặp trực tiếp nhân viên của Kakao Bank khi mở tài khoản như các ngân hàng truyền thống.

Trong trường hợp khách hàng đã có sẵn tài khoản với một ngân hàng khác, khách hàng có thể lựa chọn cung cấp thông tin về tài khoản đó cho Kakao Bank và ứng dụng này sẽ chuyển khoản một số tiền rất nhỏ (1 won) tới tài khoản được cung cấp với nội dung chuyển tiền là mã xác nhận. Khách hàng sẽ nhập mã xác nhận này vào ứng dụng trên điện thoại của Kakao Bank để hoàn thành quy trình định danh.

Đối với trường hợp khách hàng chưa từng mở tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào tại Hàn Quốc, khách hàng có thể lựa chọn thực hiện cuộc gọi video với nhân viên của Kakao Bank sau khi gửi bản sao của thẻ định danh qua email hoặc qua ứng dụng để hoàn tất quá trình định danh.

Với đặc trưng là ngân hàng trực tuyến toàn phần, Kakao Bank không phải duy trì các phòng giao dịch vật lý với số lượng đội ngũ nhân viên lớn, nhờ đó mà có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng số một cách nhanh chóng, với lãi suất và phí cạnh tranh hơn các đối thủ ngân hàng truyền thống.

Trung bình, khách hàng mất từ 3 đến 7 phút để mở một tài khoản tại Kakao Bank và khoảng 60 giây cho một khoản vay giá trị tới 2.600 USD. Lãi vay tại Kakao Bank thấp hơn từ 0,5 - 2,7%/năm trong khi lãi tiền gửi cao hơn từ 0,2 - 0,9%/năm so với các ngân hàng truyền thống.

Khách hàng của Kakao Bank có thể chuyển khoản nội địa và rút tiền tại 11,4 triệu ATM trên toàn quốc không mất phí và chuyển khoản ra nước ngoài với mức phí chỉ bằng 1/10 mức phí đang áp dụng tại các ngân hàng truyền thống.

“Trên thực tế, ngân hàng số cũng là một mảng khá mới tại Hàn Quốc, do đó chưa có luật cụ thể về việc thành lập cũng như quản lý các ngân hàng số toàn phần như Kakao Bank. Mặc dù vậy, việc ra đời một ngân hàng số toàn phần như Kakao Bank đã cho thấy, Chính phủ Hàn Quốc đang rất tích cực trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển ngân hàng số tại quốc gia này”, bà Dương nhận định.

Về câu chuyện này, ông Kim Do-Hyon, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ thêm: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, luôn luôn có những thách đố. Tuy nhiên, Hàn Quốc hiện được đánh giá là quốc gia có công nghệ lớn mạnh và số tiền, cũng như những ích lợi của nền tảng này mang lại cho quốc gia là điều khó có thể tưởng tượng được”. 

FinTech Việt sắp bùng nổ?

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh chóng và ngày càng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, FinTech ra đời và tạo ra những thay đổi có tính đột phá trong ngành tài chính, tạo ra hàng loạt ứng dụng mới hiện đại, đem lại trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho khách hàng.

Tận dụng hiệu quả FinTech là chìa khóa quan trọng cho các ngân hàng để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi sang ngân hàng số, kinh tế số”.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường FinTech của Việt Nam đã đạt quy mô 4,4 tỷ USD năm 2017 và được dự báo sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Hiện tại, các giải pháp thanh toán số được đánh giá chiếm tới 89% thị trường FinTech tại Việt Nam,

Tại Hội thảo, ông Trần Thành Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MOCA cho rằng, thanh toán điện tử nói chung hay thanh toán trên di động nói riêng sẽ cần tới 5 yếu tố quan trọng để đạt được mức độ đủ tốt để bùng nổ.

Cụ thể, môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng cần thiết; công nghệ; sự hợp tác tốt với các tổ chức tài chính ngân hàng; cần người mua hàng và người bán hàng giao dịch với nhau để thanh toán điện tử thường xuyên.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Vụ phó Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, khuôn khổ pháp lý là một trong những thách thức lớn nhất để phát triển hệ sinh thái FinTech ở Việt Nam nói chung và hoạt động của các công ty FinTech nói riêng.

Hiện nay, cơ chế chính sách về lĩnh vực FinTech mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực thanh toán, những lĩnh vực khác (như huy động và cho vay ngang hàng, công nghệ blockchain/sổ cái phân tán (DLT)…) hiện chưa có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để quản lý và giám sát.

“Ưu tiên hàng đầu của Ban chỉ đạo FinTech (Ngân hàng Nhà nước) hiện nay là xây dựng Đề án về cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) đối với lĩnh vực này.

Hy vọng trong thời gian tới, với cơ chế quản lý thử nghiệm được ra đời, song song với đó là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các khía cạnh khác nhau của FinTech, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của các doanh nghiệp FinTech hoạt động tại Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.

Công ty tư vấn Solidiance cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một “môi trường hỗ trợ ngày càng gia tăng” thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo FinTech và các biện pháp khác.

Nếu Chính phủ thành công trong kế hoạch đạt 70% dân số trên độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng trong vòng hai năm tới, thì cũng sẽ tạo động lực với thị trường FinTech, nơi mà các startup đã tạo ra sẵn những giải pháp như dịch vụ ngân hàng phong cách sống hay ví điện tử và các giải pháp thanh toán số.

“Ở khu vực Đông Nam Á, trọng điểm tài chính đang ở Singapore. Tuy nhiên, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, trọng điểm tài chính sẽ chuyển dịch về Việt Nam”, ông Kim Do-Hyon nhận định.

Tin bài liên quan