Fintech ứng lương sớm cho người Mỹ thắng lớn nhờ Covid

Fintech ứng lương sớm cho người Mỹ thắng lớn nhờ Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh đã giúp Chime - một starup trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Mỹ bùng nổ.

Định giá vượt United Airlines, Tiffanty

Chime - một startup cung cấp dịch vụ ngân hàng qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh - đã ghi nhận mức tăng doanh thu 9 tháng đầu năm gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty này cho biết, mỗi tháng đang có hàng trăm nghìn khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ của họ. Một số người thậm chí còn ngừng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng lớn để chuyển qua Chime.

Trong khi các ngân hàng lớn như Wells Fargo, Bank of America trên thị trường chứng khoán đã mất hàng chục tỷ USD giá trị vốn hóa, thì định giá của Chime lại tăng vọt.

Trong vòng 18 tháng, định giá của Chime đã tăng hơn 10,15 lần, lên 14,5 tỷ USD, đưa giá trị của startup này vượt lên một số công ty tên tuổi đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ như United Airlines, Tiffany hay Whirpool. Chime thậm chí đã vượt qua Robinhood, nền tảng đầu tư trực tuyến đang nổi, để trở thành công ty khởi nghiệp lĩnh vực fintech được định giá cao nhất tại Mỹ, theo PitchBook.

Trong vòng 18 tháng, định giá của Chime đã tăng hơn 10,15 lần, lên 14,5 tỷ USD

“Chúng tôi là một công ty khởi nghiệp đúng nơi và đúng thời điểm vì nhiều người Mỹ đang cảm thấy lo lắng với đồng tiền của họ”, người đồng sáng lập và là CEO của Chime, Chris Britt cho biết.

Gần đây, Chime nổi lên với ứng dụng cho phép người Mỹ được nhận lương sớm qua một tính năng mang tên “Được Trả Lương Sớm”.

Chime rất tự hào với việc họ không dựa vào những khoản phí cồng kềnh – dễ làm khách hàng khó chịu - để duy trì hoạt động. Thay vào đó, Chime được trích một khoản phí nhỏ từ Visa mỗi khi người dùng quẹt thẻ.

Nếu người dùng rút vượt hạn mức tiền gửi, tính năng SpotMe của Chime cho phép họ được nợ một khoản tiền mà không phải tính phí.

“Các ngân hàng lớn chỉ phù hợp với 20 - 25% người có thu nhập cao nhất nước Mỹ”, Britt nói.

“Những đối tượng còn lại cảm thấy khó khăn trong việc chi trả những khoản phí duy trì tài khoản của họ”.

Một điểm khác biệt cơ bản trong hoạt động của Chime với các ngân hàng truyền thống là không chịu ảnh hưởng của biến động lãi suất. Các ngân hàng truyền thống chủ yếu kiếm lời dựa vào chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Hiện tại, khoảng cách này đang rất hẹp, nên việc sinh lời trở nên thách thức hơn.

Chime không thực sự cho vay, đồng nghĩa với việc không chịu ảnh hưởng rủi ro của việc khách hàng vỡ nợ và lãi suất thấp mang tính lịch sử.

“Dịch bệnh đã khiến người dùng cảm thấy thích thú hơn với các dịch vụ tài chính hoàn toàn điện tử, gần gũi với người dùng và dễ dàng đăng ký”, Robert Le, chuyên gia tài chính có kinh nghiệm tại PitchBook nhận xét.

Chime đã tạo dấu ấn tích cực khi giúp người dân Mỹ có thể nhận được khoản tiền hỗ trợ đại dịch trị giá 1.200 USD/người sớm hơn 5 ngày so với các nhà cung cấp dịch vụ khác. Tổng cộng, các khách hàng của Chime đã tiếp cận sớm với số tiền khoảng 1,5 tỷ USD trong gói kích thích của chính phủ.

“Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà những người Mỹ phải bước qua hàng ngày. Một trong những giá trị cốt lõi của chúng tôi là đặt mình vào địa vị của khách hàng và hiểu rõ nhu cầu của họ”, Chris Britt, CEO Chime nói.

Sẽ bước vào lĩnh vực cho vay

Chime đã gọi được 485 triệu USD vốn đầu tư từ vòng gọi vốn gần nhất vào tháng trước, đưa tổng số vốn công ty gọi được lên 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của Chime là duy trì sự hài lòng của nhà đầu tư.

“Công ty sẽ phải chịu áp lực trong việc duy trì đà tăng trưởng để chứng minh rằng có thể cáng đáng được giá trị nặng nề - đang được định giá gấp 20 lần doanh thu”, Robert Le nói.

Không có đội ngũ chuyên gia tư vấn tài chính là hạn chế lớn của Chime khi cạnh tranh với các ông lớn ngân hàng truyền thống trong việc thu hút đối tượng khách hàng có thu nhập cao - những người đã quen với việc sử dụng các dịch vụ tài chính bài bản.

Để tăng tầm ảnh hưởng, Chime tích cực thực hiện chiến dịch marketing với việc ký hợp đồng tài trợ dài hạn với Dallas Mavericks - đội bóng chơi ở giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ vào đầu năm nay.

Trong tháng 6, Chime ra mắt một mẫu thẻ tín dụng không thu phí nhằm giúp người Mỹ tăng chỉ số tín dụng - chỉ số thể hiện một người có khả năng trả nợ hay không. Chiếc thẻ này chỉ cho phép chủ thẻ tiêu xài bằng đúng số tiền họ có trong tài khoản tiết kiệm.

Chặng đường tiếp theo của Chime, như CEO Britt tiết lộ, sẽ là bước vào lĩnh vực cho vay, có thể là cho vay qua thẻ, mà khoản tiền cho vay dựa vào những dữ liệu chi tiêu và những hoá đơn của người dùng. Chime cũng có ý tưởng xây dựng một nền tảng cơ bản và tự động hoá để người dùng đầu tư vào các sản phẩm tài chính giá rẻ như các quỹ ETF cũng như các hình thức khác.

Trong tương lai xa hơn, Britt tự tin rằng, Chime không muốn trở thành SPAC – công ty được thành lập với mục đích tiến hành M&A.

“Chúng tôi không vội vã lên sàn chỉ để nâng cao giá trị, trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán leo dốc và công ty được định giá cao”, Britt nói.

Tin bài liên quan