Tuy vậy các Fintech startup có một tác động to lớn đến việc các ngân hàng và thể chế tài chính truyền thống phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp và thích nghi với những nhu cầu mới của thị trường.
Ông nhìn nhận như thế nào về các công ty Fintech hiện nay?
Theo tôi, Fintech mà mọi người đang nói tới là Fintech startup - các doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài chính, thông qua việc hợp tác hoặc thay thế những hoạt động truyền thống của ngân hàng, cũng như phát hiện và lấp vào các khoảng trống nhu cầu mà các nhà cung cấp dịch vụ trước đây chưa quan tâm tới.
Họ chú trọng sử dụng công nghệ để gia tăng số lượng khách hàng một cách nhanh nhất. Đối với ngành ngân hàng, các Fintech vừa là đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là các đối tác để làm cho các dịch vụ ngân hàng được tiếp cận dễ dàng hơn.
Chính vì thế nó cũng là một động lực để cho ngành ngân hàng phát triển và cạnh tranh. Các ngân hàng nếu không hiểu ra được sự thay đổi và phát triển trong các nhu cầu của thị trường và không có bước chuyển mình sẽ bị đe dọa.
Còn với ngân hàng nhận thức được cơ hội và những thách thức đến từ các Fintech, sẽ có một cách tiếp cận mang tính chiến lược trong việc hợp tác và cạnh tranh, đây có thể lại là một định hướng giúp họ thành công trong lĩnh vực số hóa các hoạt động của ngân hàng.
Như ông nói, Fintech giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng một cách dễ dàng và cũng là động lực để ngân hàng phát triển. Vậy việc bắt tay với các Fintech liệu có rủi ro gì cho các ngân hàng hay không?
Theo tôi, hợp tác với các Fintech là xu hướng không thể tránh khỏi của các ngân hàng. Ví dụ ngay tại VPBank, hợp tác với Fintech là một trong ba gọng kìm của chiến lược ngân hàng công nghệ số.
Chúng tôi hợp tác với các lĩnh vực liên quan đến thanh toán điện tử, đánh giá tín dụng thông qua các hình thức phi truyền thống, tư vấn quản lý tài chính và thu hút khách hàng. Việc hợp tác với các công ty Fintech trong nhiều lĩnh vực cho phép VPBank mở rộng ảnh hưởng của mình tới các mảng thị trường khác nhau, và cung cấp các dịch vụ tài chính của mình một cách phổ cập hơn.
Ông Võ Tấn Long
Tất nhiên, hợp tác với Fintech cũng có những rủi ro nhất định. Điều đầu tiên dễ nhận thấy là 97% các Fintech thất bại trong vòng 1 - 2 năm đầu tiên, tạo nên những rủi ro lớn cho mô hình kinh doanh này.
Thứ hai, mô hình hoạt động của Fintech rất khác so với mô hình hoạt động của một doanh nghiệp nói chung, của ngân hàng nói riêng, do vậy các rủi ro đến từ sự khác biệt trong mô hình hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến thành công của những hợp tác này.
Thứ ba, khi đã hợp tác thành công với Fintech, Fintech đã trở thành một kênh mở rộng cho ngân hàng. Khi đó, tất cả rủi ro liên quan đến Fintech, kể cả mặt công nghệ, an ninh, con người… đều trở thành rủi ro của ngân hàng.
Vậy theo ông, liệu Fintech có thể lấn át các ngân hàng?
Fintech thực tế không phải điều gì quá mới mẻ, bởi nó đã xuất hiện và tồn tại hàng chục năm nay. Vậy công ty Fintech có thể thay thế được các ngân hàng truyền thống hay không? Tôi nghĩ là việc đó sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần.
Mặc dù các công ty Fintech đang ngày càng mang lại nhiều dịch vụ tài chính mà các ngân hàng trước đây chưa làm được, điều đó không có nghĩa là các công ty này sẽ có thể cung cấp được tất cả các mảng dịch vụ truyền thống, trong số đó có nhiều loại hình cần có sự điều tiết quản lý đặc biệt.
Hơn nữa, các ngân hàng và thể chế tài chính cũng không ngồi yên, họ thay đổi một cách nhanh chóng để có thể trở nên hiệu quả hơn, mang lại những trải nghiệm hoàn hảo hơn cho khách hàng của mình.
Tại VPBank, trong chiến lược phát triển của mình, ngân hàng luôn tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Từ lâu, VPBank đã nhìn thấy ảnh hưởng của công nghệ, đặc biệt là internet, điện thoại di động thông minh đến ngành ngân hàng.
Chính vì vậy, từ năm 2010, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng kênh giao dịch trên internet và mobile, và đến năm 2013 thì cơ bản hoàn thành việc xây dựng năng lực cung cấp dịch vụ qua các kênh này.
Hiện nay các dịch vụ tài chính được thực hiện tại quầy giao dịch của VPBank chỉ chiếm 14%, 86% còn lại là qua các kênh tự phục vụ, trong đó có internet banking và mobile banking.
Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố cần, chưa phải yếu tố đủ, trong đó có vấn đề trải nghiệm của khách hàng. Bắt đầu từ năm 2015, VPBank rất chú tâm tới chiến lược khi tiếp cận các vấn đề số hóa. Với hơn 2 triệu khách hàng truyền thống hiện có, Ngân hàng phải dần thay đổi, số hóa dịch vụ khách hàng, thông qua đó tạo trải nghiệm dịch vụ ngân hàng thân thiện và tiết kiệm chi phí cho người dùng.
Hiện tại, VPBank đang hợp tác với công ty Fintech là Timo, hợp tác với các công ty dịch vụ thanh toán truyền thống và không truyền thống như Moca. Chưa kể, Ngân hàng đã tạo ra một Fintech của chính mình, với tên gọi VPDirect.
VPDirect là một Fintech hoạt động trong Ngân hàng với mô hình hoạt động, không gian, hệ thống công nghệ thông tin riêng biệt, với chế độ ra quyết định hoàn toàn độc lập. Họ là một thực thể riêng biệt, với cách tiếp cận khách hàng khác và mang lại các giá trị thặng dư phi truyền thống.
Mục tiêu cuối cùng và xuyên suốt của Ngân hàng là nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tính hữu hiệu, tiết kiệm chi phí. Do đó, tất cả các hoạt động số hóa đều hướng tới vấn đề này.
Nhìn xa hơn vào tương lai, ông cho rằng các ngân hàng trong tương lai tại Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào?
Các ngân hàng sẽ phải năng động, tích cực hơn nữa trong việc khám phá, khai thác thị trường mới, tiếp cận tới đối tượng khách hàng chưa sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải thực hiện hai nhiệm vụ: cung cấp các sản phẩm – dịch vụ tốt hơn nữa đối với khách hàng hiện có bằng cách cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, đồng thời tìm cách thu hút người dùng mới.
Hiện tại, có nhiều con số thống kê khác nhau về số lượng người dân chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. Dù con số đó là bao nhiêu đi nữa, sự thực là nó lớn hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần số khách hàng của các ngân hàng. Đây vẫn là câu hỏi lớn cho tất cả các ngân hàng, làm sao để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi hoạt động, hướng tới nhiều đối tượng người dùng hơn.
Với lối sống hiện đại, có rất nhiều hoạt động liên quan tới tài chính. Một ngân hàng thành công là ngân hàng tích hợp được nhiều nhất dịch vụ, sản phẩm gắn với hoạt động hàng ngày của con người. Do đó, theo tôi, trong thời gian tới, việc tích hợp, gắn kết sản phẩm ngân hàng với cuộc sống thường nhật của người tiêu dùng sẽ là một trong những định hướng mà các ngân hàng tập trung theo đuổi.