Chủ đạo trong hoạt động FinTech hiện tại là thanh toán, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như e-KYC, P2P lending, chấm điểm tín dụng, xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, giải pháp liên quan đến AI, Big Data…
Trong đó, e-KYC (Electronic - Know Your Customer) là một dạng KYC số hóa (digital KYC).
Dịch vụ e-KYC tạo nên một hệ môi trường mà đảm bảo người dân có thể chia sẻ thông tin định danh của mình với nhà cung cấp dịch vụ (đã đăng ký với chính quyền) bất cứ nơi nào và khi nào muốn để sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp đó một cách nhanh chóng nhất, nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân theo khuôn khổ pháp luật đề ra.
Tại Ấn Ðộ, việc áp dụng e-KYC cho thấy đây là giải pháp hiệu quả mà chính phủ đưa ra để tăng cường tài chính toàn diện và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn. Từ năm 2016, quy trình KYC truyền thống đã được chuyển thành e-KYC.
Việc mở tài khoản rất đơn giản, chỉ dựa vào cuộc gọi hình ảnh trực tuyến, mã số định danh (ID) và dấu vân tay/võng mạc được lưu trữ tại Cơ quan nhận dạng quốc gia.
Tới nay, Ấn Ðộ đã có gần 3,5 triệu giao dịch e-KYC được thực hiện tại 234 cơ quan xác nhận e-KYC được cấp phép, bao gồm các tổ chức tín dụng, cơ quan chính phủ. Ðồng thời, nước này sử dụng e-KYC để phát triển hệ thống ATM vi mô (micro-ATMs) tại các điểm bán hàng (POS) ở nông thôn.
Các ATM vi mô này thực chất là các POS với tính năng quét vân tay và mống mắt để thực hiện xác nhận danh tính khách hàng dễ dàng hơn, nhằm thúc đẩy quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện và hiệu quả.
“Trong khi đó, ở Việt Nam, quy định về nhận diện và xác minh thông tin khách hàng vẫn yêu cầu gặp mặt trực tiếp để thực hiện thủ tục này, sẽ hạn chế khả năng lan tỏa của dịch vụ tài chính”, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nhận định.
Hay như câu chuyện P2P lending là huy động từ đâu và cho vay như thế nào?
Các công ty P2P lending cung cấp nền tảng (platform) giao dịch, kết nối giữa người đi vay và người có tiền cho vay mà không thông qua trung gian tài chính (thực tế, các chủ đầu tư đều bỏ vốn ra cho người dân vay mà không thực hiện huy động).
“Ðiều này không được cơ quan quản lý cấp phép, nhưng nếu cấm thì cấm như thế nào trong bối cảnh mô hình kinh doanh theo nền kinh tế thị trường vẫn đang diễn ra rầm rộ”, một chuyên gia tài chính nói.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ, khúc mắc lớn nhất hiện nay đối với phát triển hệ sinh thái FinTech là hoàn thiện khung pháp lý để NHNN có thể quản lý tốt hơn và các doanh nghiệp FinTech kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn trong hoạt động kinh doanh”.
NHNN đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh này và dự kiến đưa P2P vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tượng tự với đó là e-KYC cũng đã có đề xuất khuôn khổ pháp lý thử nghiệm nhằm giải quyết các bài toán cấp bách hiện nay.
Về tổng thể, tương ứng với những rào cản hiện hữu, NHNN đang đưa ra các phương án điều chỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp FinTech, dựa vào kết quả nghiên cứu trong 3 năm qua.
Tuy vậy, một khuôn khổ pháp lý không chỉ có vai trò của NHNN, mà cần sự đồng bộ hóa giữa các bộ, ngành thông qua hệ thống luật, nghị định, thông tư…
Ông Ngô Văn Ðức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, NHNN cho biết, có 4 rào cản pháp lý lớn đối với FinTech: thứ nhất, thể chế quản lý hoạt động FinTech hiện chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý nào;
Thứ hai, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan tới hoạt động FinTech;
Thứ ba, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, về cơ bản, các hoạt động khác của công ty FinTech chưa được quy định và điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật;
Thứ tư, các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán.
“Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực FinTech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cách mạng 4.0, đặc biệt trong ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể”, ông Ðức nói.
Cuối tuần qua, Bộ Chính trị đã họp và ra Nghị quyết về việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Thông tin này mang lại hy vọng cho các công ty FinTech về hành lang pháp lý cho khuôn khổ pháp lý thử nghiệm sẽ sớm trở thành hiện thực.