Với việc ứng dụng các công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), Fiin Credit kỳ vọng sẽ góp phần giải bài toán thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam, mang lại trải nghiệm tin cậy, an toàn, tiện lợi cho người dùng.
Theo đó, chỉ với một chiếc Smartphone được tải ứng dụng Fiin Credit, người dùng chỉ cần thực hiện một vài thao tác và chờ được xét duyệt là có thể vay được một khoản tiền từ một người dùng đang có số dư cần cho vay trên cùng hệ thống, từ đó, giống như một ví điện tử, để dễ dàng thanh toán cho các hoạt động mua sắm tiêu dùng thông qua việc quét mã QR tại các điểm thanh toán…
Ông Trần Việt Vĩnh, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Fiin cho biết, so với những Fintech hướng tới mục đích xã hội không tiền mặt khác, Fiin Credit lại đứng ra làm trung gian kết nối giữa người cho vay và người đang cần hỗ trợ tài chính.
Cụ thể, đối với người đang cần hỗ trợ tài chính (người đi vay), hạn mức tín dụng được cấp hiện tại lên tới 10 triệu đồng, và nếu trong vòng 45 ngày sau khi được cấp tín dụng, người đi vay hoàn trả số tiền thì sẽ không phải chịu bất kỳ một khoản phí hay lãi suất nào.
"Đối với người cho vay (nhà đầu tư), lãi suất của khoản tiền nhàn rỗi trong tài khoản có thể lên tới 18-20%/năm và nếu có rủi ro xảy ra, trung gian kết nối là Fiin sẽ đứng ra đảm bảo bảo toàn vốn cho nhà đầu tư, ông Vĩnh khẳng định.
Người cho vay hoàn toàn có thể sử dụng trực tiếp số tiền gốc và tiền lãi được hưởng từ việc cho vay để thanh toán tiêu dùng với Fiin Credit tại các điểm thanh toán được liên kết.
Đáng chú ý, mặc dù trong thông cáo phát ra của Fiin thì không hề đề cập tới hình thức cho vay ngan hàng (P2P), tuy nhiên trong phần slide giới thiệu dịch vụ Fiin Credit thì dòng chữ này đã xuất hiện. Đây là điểm cần chú ý vì cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước từng lên tiếng về dịch vụ P2P.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo về hình thức cho vay ngang hàng (P2P).
Theo Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam, gần đây đã xuất hiện một số công ty cung ứng dịch vụ tương tự như mô hình các công ty vận hành P2P Lending trên thế giới.
Thực tế hoạt động của mô hình này trong thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.
Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.