Nhận diện rủi ro
Trong báo cáo triển vọng tháng 10, FIDT cho rằng, sự biến động vừa qua của thị trường chứng khoán bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó tác động rõ rệt trong ngắn hạn là vấn đề về dòng vốn FII rút khỏi thị trường Việt Nam (quỹ đầu tư, ETFs).
Bên cạnh đó, FIDT nhận định, tỷ giá cùng với 4 rủi ro khác vẫn sẽ có những ảnh hưởng mang tính hệ thống đến thị trường chứng khoán trong tháng 10.
Thứ nhất, vấn đề tỷ giá USD/VND sẽ tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán. Theo FIDT, chênh lệch chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ, các ngân hàng trong nước dư thừa thanh khoản. Việc biên độ dao động của tỷ giá ngoài ngưỡng kiểm soát có thể khiến Ngân hàng Nhà nước có thể dùng các biện pháp đặc biệt để can thiệp, trong đó lo ngại lớn nhất đến từ việc chính sách tiền tệ có thể mạnh tay hơn để giảm bớt căng thẳng.
Thứ hai, suy thoái kinh tế thế giới khi lãi suất cao tại các quốc gia phát triển bắt đầu thẩm thấu vào thị trường tác động tương đối xấu nền kinh tế toàn cầu. Các rủi ro nhỏ hơn đối với kinh tế thế giới gồm: nợ xấu, tài chính bị thắt chặt dẫn đến mất động lực tăng trưởng.
Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần thời gian hấp thụ các chính sách kích cầu, vì vậy số liệu kinh tế vẫn còn nhiều u ám. Bên cạnh đó, lo ngại lớn nhất đến từ việc nền kinh tế thứ hai thế giới có thể đối diện với giảm phát, một phần là hệ quả của các vấn đề bất động sản chưa được giải quyết, gây ra những rủi ro đáng lo ngại cho phần còn lại của thế giới. Ảnh hưởng bởi Trung Quốc có thể khiến dòng tiền ngoại hối rời khỏi Việt Nam rất mạnh ở cả vốn từ các quỹ đầu tư trên TTCK lẫn các dòng tiền khác.
Thứ tư, việc CPI tăng trở lại trong tháng 9 do biến động giá năng lượng vốn đã được dự đoán từ trước nên không gây bất ngờ quá lớn cho thị trường. Nhìn chung, lạm phát vẫn còn dai dẳng và khá xa so với mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi thêm trước những diễn biến vĩ mô phức tạp.
Thứ năm, do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân bên ngoài, xu hướng bán ròng của khối ngoại đã gia tăng đáng kể trong tháng 9. Hầu hết các nước trong khu vực đều bị rút ròng bởi khối ngoại và dịch chuyển sang thị trường Trung Quốc, FIDT cho rằng thị trường có thể vẫn còn đối mặt với lực bán từ nước ngoài trong tháng 10, tuy nhiên áp lực có thể giảm bớt.
Về tổng thể, FIDT cho rằng các rủi ro lớn có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xác suất thấp đi ở thời điểm hiện tại, riêng rủi ro về tỷ giá vẫn cần quan sát thêm.
Ưu tiên kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn
Việc VN-Index sụt giảm đáng kể 8,6% (so với mức đỉnh gần đây là 1.245,5 vào ngày 6/9) đã giúp đẩy định giá P/E toàn thị trường về mức tương đối hấp dẫn 13,x. Tuy nhiên, FIDT giữ vững lập trường dòng tiền sẽ tiếp tục có sự phân hóa cao, tập trung tìm đến những doanh nghiệp có câu chuyện, triển vọng riêng rõ ràng trong thời gian tới thay vì “mua ngành nào cũng thắng” như giai đoạn đầu năm.
Nguyên nhân do P/B toàn thị trường sau xu hướng tăng trong thời gian qua đã giảm sau đợt chỉnh 25/9, có vẻ vẫn ở mức cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn hóa thị trường và định giá P/B của 2 nhóm này hiện tại đa phần vẫn đang nằm ở vùng thấp so với lịch sử. Do đó, nếu loại trừ nhóm ngân hàng và cổ phiếu họ nhà Vin (VRE, VIC, VHM) thì định giá P/B của khá nhiều nhóm ngành đã về mức trung bình.
Nhóm phân tích nhận định, trong ngắn hạn, thị trường thiếu đi các tin tức và yếu tố vĩ mô hỗ trợ, những động lực thường được đề cập trước đó như hạ lãi suất, nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ... đã phản ánh phần lớn vào thị trường, ngược lại các rủi ro về lạm phát, tỷ giá đang ngày càng gia tăng.
Trong trung và dài hạn, xét về chu kỳ kinh tế, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi nên xu hướng trung hạn của thị trường là vẫn đi lên. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy khi phục hồi về vùng định giá trung bình (P/E VN-Index 10 năm), thị trường dễ xảy ra nhiều đợt điều chỉnh mạnh. FIDT quan điểm thị trường chứng khoán vẫn đang ở giai đoạn tốt để đầu tư giải ngân cho trung và dài hạn.
Trong tháng 10, với ưu tiên kiểm soát rủi ro hiện hữu ngắn hạn nhưng vẫn lạc quan với vĩ mô Việt Nam trong trung, dài hạn, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư có thể thực hiện mua thăm dò, tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn thị trường đã giảm về vùng tương đối hấp dẫn.
FIDT cho rằng, xu hướng thị trường trong tháng 10 sẽ đi ngang và phân hóa sẽ rõ ràng đối với những ngành có câu chuyện như: bất động sản khu công nghiệp và xuất khẩu.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, trong triển vọng ngắn hạn, FIDT cho rằng giai đoạn cuối năm sẽ là thời điểm mà hầu hết các doanh nghiệp sẽ bàn giao đất cho đối tác và ghi nhận doanh số tăng trưởng so với giai đoạn đầu năm.
Ngoài ra, một số tin tức tích cực có thể tác động đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn như xu hướng FDI giải ngân tăng trưởng; Luật khu công nghiệp, khu kinh tế được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp cuối năm; một số chính sách mới có thể ban hành để khai thác tốt hơn việc nâng cấp quan hệ... Trong đó, rủi ro chi phí giải phòng mặt bằng tăng mạnh là động lực đối với một số cổ phiếu không phải ghi nhận phần chi phí này trong năm nay. FIDT chỉ ra một số mã cổ phiếu được hưởng lợi rõ rệt là: LHG, IDC, KBC.
Đối với nhóm xuất khẩu, quý III kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 94,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với quý trước. Quý IV, nhu cầu dự kiến còn tiếp tục phục hồi bởi tiêu dùng trên toàn cầu tiếp tục phục hồi. Trong xu hướng này, có những mặt hàng chứng kiến đà phục hồi khá tốt có thể kể đến như xơ sợi, thủy sản, lúa gạo, rau quả hay cà phê...
Trong đó, FIDT cho rằng nhà đầu tư nên xem xét theo dõi một số ngành có triển vọng mạnh mẽ hơn như thủy sản, dệt may – vốn đã xuất hiện những động lực tăng trưởng tương đối rõ ràng cho sự phục hồi của doanh nghiệp.