Fed vẫn đang là "kim chỉ nam" cho những hành động của giới đầu tư

Fed vẫn đang là "kim chỉ nam" cho những hành động của giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Hai (6/11), khi các nhà đầu tư theo dõi phát biểu của một loạt các nhà hoạch định chính sách vào cuối tuần để tìm kiếm manh mối về việc liệu Fed có thể cắt giảm lãi suất vào năm tới hay không.

Phố Wall đã có tuần tốt nhất trong khoảng một năm vào tuần trước, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm và kỳ vọng rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Theo đó, thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tháng 12 ở mức xác suất 90,4%, giảm đôi chút so với mức 95,2% vào thứ Sáu nhưng cao hơn mức 74,4% một tuần trước và theo FedWatch Tool, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% đã tăng lên hơn 50% tại cuộc họp tháng 5/2024.

Những kỳ vọng như vậy sẽ được kiểm định trong tuần này, khi giới đầu tư sẽ đánh giá quan điểm của một loạt các nhà hoạch định chính sách của Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, Chủ tịch Fed New York John Williams và Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn chuẩn 10 năm sau trượt xuống mức thấp nhất trong năm tuần vào thứ Sáu, đã tăng nhẹ lên 4,668% vào thứ Hai trước cuộc đấu giá khoảng 112 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm, 10 năm và 30 năm vào cuối tuần này của Bộ Tài chính Mỹ.

Dữ liệu kinh tế trong tuần này chỉ bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sẽ được công bố vào thứ Năm và báo cáo tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 6/11: Chỉ số Dow Jones tăng 34,54 điểm (+0,10%), lên 34.095,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,64 điểm (+0,18%), lên 4.365,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 40,50 điểm (+0,30%), lên 13.518,78 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, với cổ phiếu của nhóm bất động sản mất đà, trong khi Ryanair tăng vọt sau dự báo lợi nhuận đạt mức kỷ lục.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,16% xuống 443,52 điểm.

Dữ liệu gần đây cho thấy sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã tăng tốc vào tháng 10, cho thấy khả năng suy thoái ngày càng tăng trong liên minh tiền tệ 20 quốc gia.

"Trong khi các thị trường đang điều chỉnh ước tính của họ về thời điểm lãi suất của Mỹ có thể bắt đầu được cắt giảm, dữ liệu kinh tế ở Anh và châu Âu cho thấy tình trạng bất ổn kinh tế thậm chí còn sâu sắc hơn", Michael Hewson, nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets cho biết.

Phiên này, nhóm cổ phiếu bất động sản mất 2,9%, sau khi nổi lên là nhóm hoạt động tốt nhất trong tuần trước.

Trong khi đó, Ryanair tăng 5,3% sau khi hãng hàng không lớn nhất châu Âu tính dự báo lợi nhuận trong năm nay theo số lượng hành sẽ đạt kỷ lục và hứa trả cổ tức thường xuyên, và góp phần lớn giúp chỉ số ngành du lịch và giải trí tăng 0,6%.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Telecom Italia giảm 3,4%, sau khi có lúc đã tăng tới 5,4%, khi hội đồng quản trị của công ty điện thoại chấp thuận bán bộ phận mạng cố định cho KKR của Mỹ, gây ra sự bất đồng từ cổ đông hàng đầu Vivendi.

Cổ phiếu Melrose Industries tăng 3,5% sau khi nhà cung cấp hàng không vũ trụ Anh cho biết đơn vị GKN Aerospace Engines của họ đã ký thỏa thuận với GE Aerospace, mở rộng quan hệ đối tác lâu dài.

Trái lại, cổ phiếu PostNL mất 12,6% sau khi công ty bưu chính Hà Lan công bố kết quả quý III thấp hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu Teleperformance đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng doanh thu cả năm lần thứ ba trong năm nay, khiến cổ phiếu giảm 3,2%.

Kết thúc phiên 6/11: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,03 điểm (+0,00%), lên 7.417,76 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 53,28 điểm (-0,35%), xuống 15.135,97 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 33,77 điểm (-0,48%), xuống 7.013,73 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, ảnh hưởng tích cực từ phiên trước đó trên Phố Wall, với các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,37% lên 32.708,48 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,64% lên 2.360,46 điểm.

"Phố Wall đã vững vàng vào cuối tuần trước sau khi dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến, khiến các nhà đầu tư mua cổ phiếu Nhật Bản. Bước tiếp theo là xem liệu Nikkei 225 có vượt qua mức 33.000 điểm trong ngắn hạn hay không”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.

Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất chip khởi sắc, với Advantest đã tăng 8,15% để tạo ra sự lực đẩy lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là Tokyo Electron tăng 2,14%.

Các cổ phiếu lớn khác cũng tăng với Fast Retailing tăng 1,58% và Recruit Holdings tăng 7,43%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực ổn định thị trường, trong khi hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng giúp thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,91% lên 3.058,41 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,35% lên 3.632,61 điểm.

Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Cường hôm Chủ nhật nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng tiếp cận thị trường và tăng nhập khẩu, điều này hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hồi sinh niềm tin vào thị trường chứng khoán, với Bộ An ninh cho biết hôm thứ Sáu rằng ổn định tài chính là một phần quan trọng của an ninh quốc gia.

Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng dữ liệu PMI sản xuất đáng thất vọng của Trung Quốc trong tháng 10 cho thấy sự phục hồi kinh tế mong manh.

"Chúng tôi nhận thấy dữ liệu PMI tháng 10 là bằng chứng cho thấy cần hỗ trợ chính sách nhiều hơn để duy trì đà tăng trưởng vì nhu cầu cơ bản vẫn còn yếu. Ngoài ra, lãi suất tại Trung Quốc được duy trì 'thấp hơn trong thời gian dài hơn', trong khi lãi suất bên ngoài 'cao hơn trong thời gian dài hơn' sẽ khiến áp lực dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy ra", các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần, cũng nhờ việc Thủ tướng Trung Quốc cam kết nới lỏng chính sách và đẩy mạnh nhập khẩu khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,71% lên 17.966,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,14% lên 6.182,05 điểm.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu với mức tăng hơn 4%, trong đó, các cổ phiếu lớn như Tencent tăng 3,3%, Tập đoàn Alibaba tăng 2,4% và JD.com tăng 3,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, dẫn đầu bởi đà tăng của các nhà sản xuất pin, khi các nhà chức trách tái áp đặt lệnh cấm bán khống.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI tăng 134,03 điểm, tương đương 5,66%, lên 2.502,37 điểm.

Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc cho biết, giao dịch bán khống sẽ bị cấm đối với các cổ phiếu thuộc Chỉ số Kospi 200 và Chỉ số Kosdaq 150 từ ngày 6/11 cho đến cuối tháng 6/2024.

"Có khả năng giá cổ phiếu sẽ nhận được động lực mạnh ngắn hạn trong tuần này, đặc biệt là các cổ phiếu tăng trưởng, chẳng hạn như lĩnh vực pin sạc và dược phẩm sinh học, vốn chịu ảnh hưởng bởi việc bán khống lớn", Han Ji-young, nhà phân tích tại Kiwoom Securities, cho biết.

Cổ phiếu các nhà sản xuất pin bùng nổ với LG Energy Solution tăng 22,76%, công ty mẹ LG Chem tăng 10,6%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation tăng 11,5% và 13,42%.

Kết thúc phiên 6/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 758,59 điểm (+2,37%), lên 32.708,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,61 điểm (+0,91%), lên 3.058,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 302,47 điểm (+1,71%), lên 17.6966,59 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 134,03 điểm (+5,66%), lên 2.502,37 điểm.

Giá dầu tăng sau khi các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện cho đến hết năm.

Kết thúc phiên 6/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,31 USD/thùng (+0,40%), lên 80,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD/thùng (+0,34%), lên 85,18 USD/thùng.

Tin bài liên quan