Theo biên bản cuộc họp tháng 12/2014, FED nhận mạnh kế hoạch tăng lãi suất phải vào cuối năm nay, dù vậy, các quan chức của cơ quan này cho biết, họ có thể “kiên nhẫn” trong việc ra quyết định tăng lãi suất.
Đây chính là những thông tin mà nhà đầu tư chờ đợi sau những lo lắng về việc giá dầu sụt giảm mạnh và yếu kém của kinh tế toàn cầu.
Với những thông tin tích cực, phố Wall đã có phiên hồi lại sau chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp, trong đó, S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 18/12/2014.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Dow Jones tăng 212,88 điểm (+1,23%), lên 17.584,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,29 điểm (+1,16%), lên 2.025,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 57,73 điểm (+1,26%), lên 4.650,47 điểm.
Với tín hiệu tích cực từ Mỹ, cùng kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra chương trình kích thích kinh tế trong cuộc họp vào ngày 22/1 tới đây, chứng khoán châu Âu cũng đã đảo chiều tăng trở lại sau chuỗi giảm điểm đầu năm.
Việc kỳ vọng ECB tung ra gói kích thích là rất có cơ sở, bởi trong cuộc họp cuối năm ngoái, ECB cũng đã định ra quyết định này, nhưng gặp phải phản đối từ Đức, trong khi đó, hiện khu vực đồng euro đang đối mặt với giảm phát lần đầu tiên kể từ năm 2009 (trong tháng 12/2014 theo ước tính, chỉ số giá tiêu dùng của khu vực giảm 0,2%), nên không có lý do gì ngăn cản ECB tung ra gói kích thích để vực dậy nền kinh tế khu vực.
Dù vậy, chứng khoán châu Âu không tăng mạnh như chứng khoán Mỹ, do giới đầu tư vẫn còn lo lắng về khả năng Hy Lạp sẽ rời khu vực đồng tiền chung sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 25/1 tới đây.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 53,32 điểm (+0,84%), lên 6.419,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 48,52 (+0,51%), lên 9.518,18 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 29,23 điểm (+0,72%), lên 4.112,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD tăng trở lại so với đồng yên, cùng với kỳ vọng lạc quan về kinh tế Mỹ giúp chứng khoán Nhật Bản chặn được đà giảm của 4 phiên trước đó. Trong khi đó, sau 1 phiên nghỉ ngơi, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tiếp tục phi nước đại.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,14 điểm (+0,01%), lên 16.885,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 195,85 điểm (+0,83%), lên 23.681,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 22,51 điểm (+0,67%), lên 3.373,95 điểm.
Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan khiến đồng USD tăng mạnh trở lại so với các loại tiền tệ mạnh khác, bất chấp FED chưa có ý đính sớm tăng lãi suất khiến vàng quay đầu giảm giá sau chuỗi 3 phiên tăng ấn tượng đầu năm.
Ngoài ra, sau chuỗi tăng giá ấn tượng, lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên 6/1, giá vàng cũng chịu áp lực chốt lời kỹ thuật trong phiên 7/1, nên giảm trở lại.
Kết thúc phiên 7/1, giá vàng giao ngay giảm 8,2 USD (-0,67%), xuống 1.211,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 8,7 USD (-0,71%), xuống 1.210,7 USD/ounce.
Trong khi đó, sau khi mất đi 10% với 3 phiên giảm ngay đầu năm, giá dầu đã hồi nhẹ trở lại trong phiên 7/1 khi dữ liệu kinh tế của Mỹ khả quan.
Kết thúc phiên 7/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,72 USD/thùng (+1,5%), lên 48,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,05 USD (+0,1%), lên 51,15 USD/thùng.