Fed thắt chặt chính sách tiền tệ không là "điềm gở" đối với các thị trường mới nổi ngày nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển vọng về lãi suất cao hơn của Mỹ mà Fed đưa ra trong năm nay và năm tới thường là công thức gây ra rắc rối cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là khi động thái đó dẫn đến đồng đô la mạnh hơn.
Fed thắt chặt chính sách tiền tệ không là "điềm gở" đối với các thị trường mới nổi ngày nay

Hiện tượng “taper tantrum” năm 2013 và khủng hoảng kinh tế của Mexico những năm 1990 là những sự kiện nổi bật trong sử sách. Trong đó, taper tantrum chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.

Tuy nhiên, tin tốt cho năm 2022 là có lý do để kỳ vọng rằng ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất sẽ có phần nhẹ hơn.

Các thị trường mới nổi có vị trí tốt hơn để chống chọi với mọi cơn bão. Nhiều quốc gia đã tích lũy dự trữ ngoại hối trong thập kỷ qua. Những quốc gia chuyên sản xuất hàng hóa có thể bán sản lượng của họ với giá cao. Và nguyên nhân cơ bản của việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển để chống lại lạm phát là hữu ích cho các nước đang phát triển vì họ đảm bảo một thị trường mạnh mẽ cho xuất khẩu.

Theo Maurice Obsfeld, cựu nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra một kịch bản ngược lại về sự phục hồi yếu ớt sau Covid-19 ở các nước giàu sẽ tồi tệ hơn. “Các thị trường mới nổi sẽ thoải mái hơn nếu việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tiên tiến bị loại bỏ trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái”, ông cho biết.

Các nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức

Đại dịch gây khó khăn cho các nước giàu và còn khó khăn hơn đối với những nước nghèo, những nước tụt hậu về tỷ lệ tiêm chủng và thiếu các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19.

Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tại Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác có thể khiến tình hình tồi tệ đó trở nên tồi tệ hơn. Trừ khi các thị trường mới nổi cũng tăng lãi suất và tự hãm đà phục hồi của chính họ, nếu không sẽ có rủi ro về dòng vốn làm suy yếu tiền tệ và khiến việc thanh toán nợ khó khăn hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo về viễn cảnh đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra cảnh báo tương tự trong một bài phát biểu ngắn gọn vào ngày 17/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

“Nếu các nền kinh tế lớn lao dốc không phanh hoặc quay đầu lại trong chính sách tiền tệ thì sẽ có những tác động lan tỏa tiêu cực nghiêm trọng. Chúng sẽ đưa ra những thách thức đối với sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu và các nước đang phát triển sẽ phải chịu gánh nặng của nó”, ông Tập cho biết.

Đối với Fed và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, nhiệm vụ chính là giữ cho nền kinh tế của chính họ không gặp khó khăn.

Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Nhiệm vụ chính của các quốc gia là giữ cho thị trường nội địa ổn định trong khi quan sát các điều kiện từ thị trường quốc tế”.

Giai đoạn tăng lãi suất trước đó của Fed

Vào tháng 12/2015, Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đánh dấu thêm 4 lần tăng lãi suất trong năm tiếp theo.

Mặc dù lo ngại về tác động của đồng đô la mạnh lên nền kinh tế Trung Quốc đã bị gạt bỏ, nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi của Trung Quốc đã khiến đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh và bán tháo trên các thị trường chứng khoán lan rộng khắp thế giới. Sau đó Fed đã không tăng lãi suất cho đến tháng 12/2016.

Lần này rất khác. Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác đang phản ứng với một đợt lạm phát thực tế nghiêm trọng chứ không phải khả năng một đợt lạm phát có thể xảy ra. Sự thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại đang có tính cấp bách và động lực hơn.

Lãi suất thấp ở cả các nước tiên tiến và đang phát triển đồng nghĩa với thị trường vẫn có dư địa để tăng lãi suất lãi suất trước khi tín dụng bị thắt chặt nghiêm trọng. Trong khi đó, sự bùng nổ hàng hóa đang diễn ra kể từ năm 2020 trái ngược với sự sụt giảm vào giữa thập kỷ trước.

“Các thị trường mới nổi có sự quan tâm tới lãi suất quốc tế, dòng vốn quốc tế và giá cả hàng hóa. Giá hàng hóa cao hơn giúp ích rất nhiều”, nhà kinh tế Carmen Reinhart cho biết.

Kỳ vọng tăng trưởng bền vững hơn ở một số quốc gia

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và đi theo hướng ngược lại với Fed. Cho đến nay, đồng nhân dân tệ vẫn có khả năng phục hồi khi được hỗ trợ bởi xuất khẩu tăng mạnh và dòng vốn đầu tư nước ngoài, và điều đó cung cấp hỗ trợ cho các đồng tiền mới nổi khác.

Ở các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nhà đầu tư vẫn tương đối lạc quan mặc dù có những lo lắng, một phần là do các quốc gia đã xây dựng các biện pháp phòng thủ kể từ hiện tượng taper tantrum năm 2013: tích lũy dự trữ ngoại hối, thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và giữ vững chính sách tiền tệ.

Damian Sassower, trưởng chiến lược gia tín dụng EM của Bloomberg Intelligence cho biết: "Mặc dù sự thắt chặt của Fed từ trước đến nay là không tốt đối với các thị trường mới nổi, nhưng chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ chứng tỏ bền vững hơn ở châu Á”. Ông chỉ ra Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines là những nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng nổi bật.

Tin bài liên quan