Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn, do nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm. Thêm vào đó, động thái tăng lãi suất của Fed tạo áp lực lên tỷ giá, khiến lãi suất VND chịu áp lực tăng.
Trong khi đó, hai tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu, tạo ra áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng trong những ngày qua. Cụ thể, lãi suất qua đêm và 1 tuần hiện là 4,73%/năm và 4,91%/năm. Các mức lãi suất này đã tăng gấp đôi so với 2 tuần trước (ngày 7 và 8/12).
Một số chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì xu hướng tăng nhẹ trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và cơ quan điều hành tiếp tục bán ra USD, hút VND về nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Trên thị trường huy động vốn từ dân cư và các tổ chức, hiện lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn.
Trong tháng trước, một số ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng lớn, điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn, biểu lãi suất công bố ngày 29/11 của BIDV đối với tiền gửi không kỳ hạn giảm từ 0,3%/năm xuống 0,2%/năm, kỳ hạn 36 tháng từ 7%/năm xuống 6,8%/năm. Hay Agribank giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm, nhưng với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tăng 0,1%/năm lên 4,3%/năm.
Đại diện một ngân hàng cho biết, ngân hàng giảm lãi suất huy động nhằm phù hợp với mặt bằng lãi suất của nhiều ngân hàng khác, đồng thời giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó ngân hàng có thêm nguồn vốn hợp lý để đẩy mạnh cho vay sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm. Ngân hàng chỉ giảm nhẹ lãi suất vì dự đoán Fed sẽ điều chỉnh tăng lãi suất USD, theo đó tạo áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất VND.
TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo, với diễn biến tăng giá của USD, trong vài ngày tới, có thể một số ngân hàng sẽ tăng nhẹ lãi suất huy động.
Theo nhiều nhà phân tích, xu hướng tăng giá của USD có khả năng tiếp diễn trong trung và dài hạn. Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng và kích thích lạm phát. Theo đó, lãi suất sẽ tăng, hỗ trợ USD tăng giá. Vì thế, áp lực lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng là khó tránh khỏi.
Thực tế, sau khi Fed tăng thêm 0,25% lãi suất USD trong phiên họp ngày 13 - 14/12, lên mức 0,5 - 0,75%/năm, tỷ giá tiền đồng niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng như tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng thêm khoảng 5 - 10 đồng/USD.
TS. Bùi Quang Tín cho rằng, trong thời gian tới, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra nhiều biện pháp điều hành chỉnh tỷ giá.
Về lãi suất VND, HSBC Việt Nam khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất nên được điều chỉnh ở mức thích hợp để đảm bảo sự hấp dẫn.
Thực tế cho thấy, thanh khoản tại một số ngân hàng gần đây có dấu hiệu căng thẳng hơn các tháng trước, không chỉ ở thị trường huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, mà trên cả thị trường liên ngân hàng, một phần do các ngân hàng phải chuẩn bị thanh khoản tốt nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016. Dữ liệu Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 14,03%, trong khi kế hoạch cả năm là tăng 18 - 20%.
Những lý do trên sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất tiết kiệm, nhất là trong dịp cuối năm, khi nhu cầu vốn của khách hàng bước vào mùa cao điểm. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Huỳnh Trung Minh đánh giá, Fed tăng lãi suất USD đã được dự báo trước nên không tạo ra cú sốc đối với thị trường, song áp lực lên mặt bằng lãi suất là không thể phủ nhận trong bối cảnh tỷ giá điều chỉnh và nhu cầu vốn gia tăng. Do đó, việc thị trường tiền tệ Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đòi hỏi không ít nỗ lực, khó có thể kỳ vọng giảm.