Thực tế, các chỉ số chứng khoán Mỹ giao dịch tương đối tích cực sau hơn nửa ngày, nhưng đã biến động mạnh ngay khi đón nhận lộ trình tăng lãi suất cũng như quan điểm của Fed về nền kinh tế, lạm phát và việc làm.
Theo đó, cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đang ở sắc xanh đã đột ngột đảo chiều giảm và bật mạnh lên trên tham chiếu khá nhanh, trước khi thêm một nhịp lao dốc ở những phút cuối và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Trong đó, S&P 500 ghi nhận giảm hơn 10% trong tháng qua và lao dốc 21% so với mức đỉnh 52 tuần.
Fed sau cuộc họp thường niên đã thông báo chính thức tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,75% lên biên độ từ 3,00%-3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008, đồng thời, báo hiệu nhiều đợt tăng lớn hơn có thể sẽ xuất hiện.
Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, các quan chức của Fed đang "quyết tâm mạnh mẽ" để giảm lạm phát từ mức cao nhất trong bốn thập kỷ và "sẽ duy trì nó cho đến khi hoàn thành công việc", một quá trình mà ông lặp lại rằng “không thể không có những đau đớn”.
Fed cũng dự báo mức lãi suất chính sách sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm nay, trước khi đạt mức 4,6% vào năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát.
Trong khi đó, các dự báo kinh tế của Fed cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, với mức tăng trưởng cuối năm nay chỉ 0,2% và tăng lên 1,2% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với tiềm năng của nền kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2022 và 4,4% vào năm 2023. Lạm phát được cho là sẽ dần quay trở lại ngưỡng mục tiêu 2% của Fed vào năm 2025.
Lợi tức kho bạc nhảy vọt theo tin tức Fed tăng lãi suất, với kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 vào đầu phiên và đạt khoảng 4,1% vào cuối ngày. Lãi suất kỳ hạn 10 năm vọt lên khoảng 3,6%.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones giảm 522,45 điểm (-1,70%), xuống 30.183,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 66,00 điểm (-1,71%), xuống 3.789,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 204,86 điểm (-1,79%), xuống 11.220,19 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, trước khi Fed thông báo tăng lãi suất liên tiếp thứ ba vào cuối ngày.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,87% lên 406,94 điểm, phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân".
Sự chú ý dần dần chuyển trở lại chính sách của Fed, khi Fed tăng lãi suất cho vay chuẩn thêm 0,75% vào cuối phiên, tiếp tục cuộc chiến tích cực chống lạm phát cao.
Giles Coghlan, trưởng bộ phận phân tích thị trường, HYCM cho biết. "Mức tăng 0,75% trong giai đoạn này đã được dự báo trước, nhưng nó trở nên thú vị ở đâu, liệu lãi suất cuối cùng sẽ là bao nhiêu mới là câu hỏi lớn”.
Phiên này, nhóm cổ phiếu liên quan đến quốc phòng tăng giá mạnh với Rheinmetall, Leonardo, Thales và BAE Systems tăng từ 4% đến 9,3%.
Một số cổ phiếu đáng chú ý khác như Uniper giảm 25,3%, sau khi Đức đã xác nhận việc quốc hữu hóa Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn nhất của nước này.
Cũng liên quan, cổ phiếu của Fortum tăng 9,5% sau khi Đức đồng ý quốc hữu hóa Uniper bằng cách mua cổ phần của công ty Phần Lan.
Kết thúc phiên 21/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 44,98 điểm (+0,63%), lên 7.237,64 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 96,32 điểm (+0,76%), lên 12.767,15 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 51,86 điểm (+0,87%), lên 6.031,33 điểm.
Giá dầu thô tiếp tục giảm khi thị trường ghi nhận thông tin nhu cầu xăng ở Mỹ giảm. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng trong 4 tuần qua của nước này đã giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,00 USD/thùng (-1,21%), xuống 82,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD/thùng (-0,88%), xuống 89,83 USD/thùng.