Fed tăng lãi suất như kỳ vọng, giới đầu tư mạnh tay gom cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán khắp nơi trên thế giới có ngày giao dịch bùng nổ, với những tin tức tích cực xung quanh đàm phán Nga-Ukraine, lời hứa của Trung Quốc về việc tung ra nhiều kích thích kinh tế hơn và đặc biệt là Fed chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên từ năm 2018.
Fed tăng lãi suất như kỳ vọng, giới đầu tư mạnh tay gom cổ phiếu

Phố Wall tăng vọt trong phiên ngày thứ Tư (16/3), khi giới đầu tư phản ứng tích cực với việc Fed tăng lãi suất và khả năng còn tăng nhiều lần trong năm nay để chống lạm phát, chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời đại đại dịch.

Theo đó, Fed, đã công bố mức tăng 0,25% đối với lãi suất chuẩn và dự báo sẽ chạm mức 1,75-2% vào cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất từ năm 2018.

Tuy nhiên, triển vọng của Fed đã khiến nhà đầu tư khá ngạc nhiên, khi cơ quan này dự kiến mức lãi suất đạt từ 1,75% đến 2% vào cuối năm nay là diều hâu hơn dự đoán.

Trong khi đó, Fed cũng cảnh báo sự không chắc chắn mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt từ xung đột giữa Nga-Ukraine, cũng như đại dịch Covid-19 dai dẳng, nhưng cơ quan này cho biết "mức tăng liên tục" của lãi suất "sẽ phù hợp" để kiềm chế lạm phát cao nhất ​​trong 40 năm qua tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2019 sau tuyên bố của Fed. Các cổ phiếu ngân hàng cũng tăng nhờ lạc quan lợi nhuận sẽ được thúc đẩy từ mức lãi suất cao, với cổ phiếu JPMorgan vọt 4,4%, còn cổ phiếu Bank of America tăng 3,1%.

Phiên này, trong số 11 phân ngành chính của S&P 500, các nhóm tăng điểm tốt nhất là những ngành đã giảm mạnh trong đợt bán tháo gần đây với tiêu dùng và công nghệ đều tăng hơn 3%, trong khi dịch vụ truyền thông và tài chính tăng gần 3%.

Chỉ có hai trong số các ngành kết thúc ngày trong sắc đỏ với năng lượng giảm 0,4% và tiện ích mất 0,2%.

Dữ liệu lịch sử cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn thường đi kèm với sự tăng giá vững chắc của cổ phiếu. Chẳng hạn như chỉ số S&P 500 thường tăng trung bình 7,7% trong năm đầu tiên Fed tăng lãi suất, theo một nghiên cứu của Deutsche Bank về 13 chu kỳ trong dài hạn kể từ năm 1955.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones tăng 518,76 điểm (+1,55%), lên 34.063,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 95,41 điểm (+2,24%), lên 4.357,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 487,93 điểm (+3,77%), lên 13.436,55 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng mạnh, sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã thúc đẩy tâm lý thị trường cùng lời hứa của Trung Quốc về việc tung ra nhiều kích thích kinh tế hơn.

Thông tin nâng đỡ thị trường lớn nhất là việc Moscow và Kyiv đã thảo luận tích cực và “một thỏa thuận hòa bình có thể có đạt được sớm nhất trong một hai tuần nữa và muộn nhất là vào tháng 5 tới”, tuyên bố của Cố vấn Tổng thống Ukraine.

Thị trường cũng tăng điểm sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết, Bắc Kinh sẽ triển khai nhiều biện pháp hơn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc cũng như các chính sách thuận lợi cho thị trường vốn của nước này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 3,07% lên 448,49 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 28/2.

Cổ phiếu của công ty công nghệ Hà Lan Prosus, vốn có cổ phần khổng lồ trong Tencent của Trung Quốc đã tăng gần 23,9% sau khi chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong phiên trước.

Các lĩnh vực tiếp xúc với Trung Quốc khác như khai khoáng và ô tô tăng lần lượt 3,6% và 5,2%. Các cổ phiếu hàng xa xỉ LVMH, Richemont và Hermes, cũng phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc trong doanh thu, tăng từ 4,8% đến 7,8%.

Trong số các cổ phiếu khác, quỹ đầu tư tư nhân EQT có trụ sở tại Thụy Điển đã tăng 11,9%, sau khi cho biết họ đã đồng ý mua Baring Private Equity Asia (BPEA) trong một thỏa thuận trị giá 6,8 tỷ euro (7,5 tỷ USD).

Kết thúc phiên 16/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 115,98 điểm (+1,62%), lên 7.291,68 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 523,47 điểm (+3,76%), lên 14.440,74 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 233,64 điểm (+3,68%), lên 6.588,64 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ ảnh hưởng tích cực của đà tăng phiên qua trên phố Wall đêm trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, sau khi Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết, Bắc Kinh sẽ triển khai nhiều biện pháp hơn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, cũng như các bước chính sách thuận lợi cho thị trường vốn.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt hơn 9%, sau khi một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Chứng khoán Hàn Quốc phục hồi theo chân phiên qua đêm trên Phố Wall, và cộng hưởng với khẩu vị rủi ro được cải thiện của chứng khoán Trung Quốc với hy vọng về kích thích kinh tế nhiều hơn.

Kết thúc phiên 16/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 415,53 điểm (+1,64%), lên 25.762,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 106,75 điểm (+3,48%), lên 3.170,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1.672,42 điểm (+9,08%), lên 20.087,50 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 37,70 điểm (+1,44%), lên 2.659,23 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Tư đã hồi phục kỹ thuật sau liên tiếp những phiên bán tháo và động thái nâng lãi suất của Fed cảnh báo lạm phát gia tăng cũng đã hỗ trợ phần nào giá vàng đi lên.

Kết thúc phiên 16/3, giá vàng giao ngay tăng 9,1 USD lên 1.927,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 tăng hơn 24 USD lên 1.936,1 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm nhờ những tín hiệu tích cực trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Kết thúc phiên 16/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,40 USD (-1,47%), xuống 95,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,89 USD (-1,93%), xuống 98,02 USD/thùng.

Tin bài liên quan