Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) tổ chức ngày 20/12/2018, đánh giá về động thái Fed tăng lãi suất, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động đầu tiên sẽ làm USD tăng giá.
Đây là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục suy giảm và theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Mỹ ước tính là 2,5% so với mức tăng khoảng 2,9% năm 2018. Tương tự, chỉ số USD Index năm 2019 dự kiến sẽ giảm so với năm 2018, đồng nghĩa với việc nếu VND neo vào USD thì VND sẽ tăng giá.
Theo ông Nghĩa, điều này sẽ ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới, bởi VND tăng giá so với các đồng tiền khác, đặc biệt là so với đồng tiền của các đối tác thương mại ngoài Mỹ. Đây là điều cần nghiên cứu kỹ để xử lý, nhất là đối với xuất khẩu của Việt Nam sang EU, Trung Quốc, Nhật Bản… khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
Đồng thời với đó, lãi suất VND chịu sức ép và nếu muốn duy trì tỷ giá hối đoái như cũ thì phải tăng lãi suất, mà lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở đó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
“Tóm lại, tác động của việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo hướng tiêu cực hơn. Do vậy, việc điều hành tỷ giá cần cẩn trọng hơn”, TS. Nghĩa nhận định.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho rằng: “Cán cân thương mại trong tháng 12 dự kiến thâm hụt 500 - 600 triệu USD khi nhập khẩu tăng để phục vụ cho các nhu cầu sản xuất - tiêu dùng dịp cuối năm. Ngoài ra, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay… thường đạt cao điểm trong cuối năm có thể gây áp lực lên tỷ giá ở một số thời điểm trong tháng. Về cơ bản, yếu tố rủi ro nhất đến từ cung - cầu ngoại tệ gia tăng dịp cuối năm”.
Dự báo về thị trường ngoại hối trong năm 2019, theo TS. Nghĩa, có những tác động nhất định tạo nên khuynh hướng tăng tỷ giá bởi 2 yếu tố. Yếu tố thực là thặng dư thương mại giảm dần, thặng dư cán cân tài chính giảm dần, cộng với quyết định của Mỹ trong việc tăng lãi suất, tạo sức ép lớn đối với tỷ giá hối đoái năm 2019.
Yếu tố ảo là nhìn vào tiền gửi ngoại tệ của năm 2018 có xu hướng tăng lên, nhưng động thái găm ngoại tệ của doanh nghiệp không kinh doanh gửi về ngân hàng đã xảy ra từ nửa đầu năm. Doanh nghiệp gìn giữ khả năng thanh toán ngoại tệ cho thấy, có sự lo ngại tỷ giá hối đoái có thể tăng trong thời gian tới.
“Đây là những yếu tố Ngân hàng Nhà nước phải đặt lên bàn cân xem xét và xử lý. Có thể cơ quan này tiếp tục lựa chọn mục tiêu ổn định và nới lỏng một chút để đảm bảo xuất khẩu tốt hơn”, TS. Nghĩa nói.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fullbright Việt Nam nhận định: “Fed dự báo tăng lãi suất 2 lần trong năm 2019 (3%) sẽ tạo áp lực đối với VND rất lớn, đồng thời với đó là tạo áp lực lên lãi suất chính sách tại Việt Nam để bảo vệ giá trị VND. Nhiều khả năng, lãi suất sẽ phải tăng tiếp trong năm 2019”.
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 của NFSC nhận định, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5%, tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.
Có hai nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng: xét yếu tố quốc tế, chỉ số USD Index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018; xét yếu tố cơ bản trong nước, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ phía lạm phát, song lại được hỗ trợ từ phía cân đối cung - cầu ngoại tệ.
“Năm 2019, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo: Khả năng USD sẽ không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt”, báo cáo của NFSC viết.