Quá sớm để tính đến việc Fed giảm lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp để đưa lãi suất USD lên mức 5,25% là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dẫu vậy, Chủ tịch Fed Jemore Powell ngay sau đó cũng cho biết, năm 2023 có tăng lãi suất nữa hay không sẽ căn cứ trên số liệu kinh tế trong thời gian tới, nhấn mạnh còn quá sớm để tính đến việc giảm lãi suất.
Có thể thấy, có những lý do cho việc Fed tạm dừng tăng lãi suất, bao gồm, CPI đã hình thành xu hướng giảm trong 4-5 tháng gần đây, mặc dù giảm chậm và còn cao so với mức lạm phát mục tiêu 2%/năm trong dài hạn. Đồng thời, kinh tế Mỹ đã suy giảm tăng trưởng 2-3 quý liên tiếp; PMI đã giảm trong 2-3 tháng gần đây. Đặc biệt, tình trạng phá sản ngân hàng đang diễn biến phức tạp và ẩn chứa rủi ro cho nền kinh tế.
Sau khi đã hoàn thành một chu trình tăng lãi suất lên mức cao, Fed sẽ tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán (QT) hút tiền về trong thời gian tới. Quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed để kiềm chế lạm phát là sự kết hợp của 2 hoạt động tăng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán (thu hẹp cung tiền).
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNCS) nhận định, trong thời gian qua, lộ trình tăng lãi suất vẫn được thực hiện đúng kế hoạch, tuy nhiên quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed bị chậm lại đáng kể do vấn đề phá sản của một số ngân hàng dẫn tới tình trạng người dân đi rút tiền gửi tại nhiều ngân hàng. Điều này khiến Fed buộc phải bơm thanh khoản khẩn cấp hỗ trợ hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân, làm bảng cân đối kế toán tăng mạnh trở lại trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2023, tình hình chỉ bớt căng thẳng và quá trình thu hẹp bảng cân đối đã bắt đầu trở lại quỹ đạo trong những tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Hiện tại, cung tiền trong nền kinh tế Mỹ cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, thực tế này cho thấy, Fed có thể duy trì mức lãi suất cao trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2023 và tiếp tục quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán trong thời gian tới để sớm hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Những số liệu kinh tế quan trọng gần đây cũng đang ủng hộ cho kịch bản này. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vẫn neo cao và chưa giảm nhiều như kỳ vọng; Báo cáo việc tháng 4/2023 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm về mức thấp 3,4%, số lượng việc làm tăng khá, thu nhập tăng.
Fed có thể cân nhắc giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu CPI giảm nhanh về gần với mức mục tiêu dài hạn (2-3%/năm); PPI và PCE giảm nhanh hơn; GDP tăng thấp và có thể âm (suy thoái); tỷ lệ thất nghiệp tăng khá trở lại phản ánh những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Tỷ giá VND/USD không bị tác động
Theo ông Ngọc, việc Fed tăng lãi suất lần thứ 10 đưa lãi suất lên mức cao 5 - 5,25% đã nằm trong dự kiến trước đó nên gần như không tác động mạnh tới tỷ giá VND/USD trong tuần qua. Trong khi đó, việc Fed tạm dừng tăng lãi suất trong ngắn hạn sẽ giảm áp lực mất giá VNĐ, giúp tỷ giá VND/USD ổn định trong thời gian tới, việc này có lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định cũng giúp Ngân hàng Nhà nước (SBV) gia tăng mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối, cũng là một biện pháp SBV tăng cung tiền VNĐ ra hệ thống và thị trường vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra tại Việt Nam, áp lực lạm phát cao không lớn như tại Mỹ và EU nên SBV có thể tiếp tục chính sách điều tiết giảm dần mặt bằng lãi suất theo định hướng sớm hơn so với Mỹ và ECB. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, việc Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến lộ trình giảm lãi suất nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam khó có thể đẩy nhanh như kỳ vọng.
Những khó khăn sẽ kéo dài ít nhất là trong quý II - III/2023 và các phản ứng tiêu cực của chính sách lãi suất cao sẽ ngày càng phản ánh rõ hơn vào sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nói chung, sự suy giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và suy giảm trong thu nhập và chi tiêu của người dân.
Ông Ngọc cho rằng, việc Fed và ECB có thể thành công trong việc kiểm soát lạm phát giảm dần trong quý II - III/2023 để có thể bắt đầu tính tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ vào thời điểm cuối năm 2023 đầu năm 2024 sẽ là kịch bản tích cực giúp giảm đi nhiều áp lực với chính sách tiền tệ của SBV, sẽ có thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách, giảm thêm lãi suất và nới lỏng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trở lại.