Fed sẽ không theo chân Ngân hàng Trung ương châu Âu

Fed sẽ không theo chân Ngân hàng Trung ương châu Âu

(ĐTCK) Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các đồng nghiệp dường như không có ý định bước vào thời kỳ lãi suất âm theo bước chân Nhật Bản và châu Âu, cho dù Tổng thống mong muốn điều này thế nào đi nữa.

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng những lời lẽ có phần nặng nề thúc giục Fed “đưa lãi suất xuống mức 0, thậm chí âm”, với lập luận rằng, động thái này sẽ cho phép Chính phủ Mỹ đưa các chi phí trả nợ xuống mức thấp hơn.

Ðây không phải lần đầu tiên ông Trump thể hiện mong muốn Fed tiếp tục hạ lãi suất, nhưng lần này có vẻ gay gắt hơn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa lãi suất xuống mức âm 0,5%/năm và sẽ tiến hành các chương trình mua trái phiếu kể từ tháng 11/2019.

Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp gần nhất 50 năm qua và nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, Fed không nóng vội đưa lãi suất xuống mức 0% hoặc âm.

Cơ quan này được dự báo sẽ hạ lãi suất thêm 0,25%/năm trong phiên họp chính sách tuần này, với mục tiêu kích thích kinh tế và đưa lạm phát về gần mức mục tiêu. Nếu vậy, mức lãi suất tại Mỹ sẽ trong khoảng 1,75 - 2%/năm.

Trước sức ép từ chính quyền của Tổng thống Trump, câu hỏi đặt ra là liệu Fed có đưa lãi suất xuống mức âm nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng? Dựa vào những tuyên bố và tín hiệu từ giới chức Fed, cũng như giới chuyên gia, câu trả lời nhiều khả năng là không.

“Tôi không thấy lãi suất âm tỏ ra hữu dụng trong môi trường kinh tế Mỹ hiện nay”, Thống đốc Fed Lael Brainard chia sẻ khi trả lời phỏng vấn của Yahoo Finance.

Giới phân tích đánh giá, Fed còn nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khoá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chẳng hạn, cơ quan này có thể tiến hành các chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, tiến hành định hướng lãi suất, nới lỏng tín dụng và nới lỏng định lượng…

“Ðưa lãi suất xuống mức âm là lựa chọn cuối cùng trong danh sách những công cụ mà Fed có thể sử dụng”, Jonathan Wright, giáo sư tại Ðại học Johns Hopkins và cựu chuyên gia kinh tế tại Fed nhận định.

Thực tế, từng có thời kỳ Fed đưa lãi suất về gần mức 0%. Ðó là năm 2008, khi cơ quan này hạ lãi suất xuống 0,25%/năm và duy trì trong 7 năm. Ðây là quãng thời gian mà Fed liên tục bị những nhà làm luật chỉ trích bởi gây ra sự bất công cho các khách hàng tín dụng của ngân hàng.

Ðáng chú ý, kể từ năm 2010, các quan chức Fed bày tỏ sự lo lắng về tác động của chính sách lãi suất 0% đến hoạt động của các nhà băng, cũng như các quỹ thị trường tiền tệ (money market funds).

Chưa kể, một vấn đề khác là liệu Fed có được pháp luật cho phép tiến hành đưa lãi suất về mức 0% hoặc thấp hơn. Ðây vẫn là câu chuyện với nhiều ý kiến trái chiều.

Trước đó, năm 2008, Fed được Quốc hội giao nhiệm vụ trả lãi cho các ngân hàng thương mại có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, chưa rõ quyền lực này có bao gồm việc thiết lập mức lãi suất âm trên thị trường hay không.

“Tôi không cho rằng việc hạ lãi suất xuống mức âm là lựa chọn được phép”, Robert Kaplan, Chủ tịch Fed tại Dallas cho biết khi được hỏi liệu có khả năng lãi suất xuống dưới mức 0%.

Fed được cho là đang trong màn sương của việc xác định chiến lược hành động đa chiều và dài hạn.

Trong đó, ông Powell nhấn mạnh về việc cần phải trả lời câu hỏi chính là: làm thế nào để ứng phó một cách tốt nhất các biến động lên, xuống của nền kinh tế trong một thế giới đang duy trì lãi suất ở mức thấp.

“Ðể trả lời câu hỏi này, Fed có một loạt các nghiên cứu, báo cáo được công bố trên website chính thức. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có thông tin nào liên quan tới yếu tố lãi suất ở mức âm”, Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại JPMorgan Chase & Co cho biết.

Tin bài liên quan