Fed sắp bước vào một trong những quyết định khó khăn nhất: Tạm dừng hay tăng lãi suất

Fed sắp bước vào một trong những quyết định khó khăn nhất: Tạm dừng hay tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Jerome Powell dường như có ý định sẽ không tăng lãi suất trong lần họp tới. Các chuyên gia kinh tế cho biết bước đi này của Fed là hợp lý, song lại khó hiểu và chứa đầy rủi ro.

Cuộc họp tháng 6 của Fed sắp tới được đánh giá là một trong những cuộc họp khó khăn nhất trong suốt 15 tháng nỗ lực chống lại lạm phát. Chủ tịch Jerome Powell đang có ý định sẽ không tăng lãi suất trong lần họp tới và ông sẽ phải giải thích vì sao lộ trình này vẫn chưa kết thúc.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, bước đi này của Fed là hợp lý, song lại khó hiểu và chứa nhiều rủi ro.

Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất cơ bản trong 10 cuộc họp liên tiếp lên phạm vi 5% - 5,25%. Hiện tại, ông Powell cùng các quan chức Fed phát tín hiệu tạm dừng trong cuộc họp ngày 13-14/6 để đánh giá triển vọng của nền kinh tế, dù dự báo quý của Fed có thể cho thấy lãi suất và lạm phát trong năm 2023 sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của 3 tháng trước.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Fed lại quyết định như vậy?

Câu trả lời có thể là Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed (FOMC) đang nỗ lực chiến đấu ở 2 mặt trận. Các nhà hoạch định chính sách muốn đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%, nhưng cũng không muốn đẩy lãi suất tăng lên quá cao đến mức không để cho nền kinh tế phát triển.

Thống đốc Fed Philip Jefferson cho biết, việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới sẽ cho phép Ủy ban xem xét thêm dữ liệu, trước khi quyết định về việc điều chỉnh chính sách.

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy những dấu hiệu của đà hồi phục nhanh hơn so với dự đoán của nhiều quan chức. Báo cáo của Bộ Lao động gần đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 339.000 việc làm trong tháng 5, dù tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng dù áp lực giá vẫn cao.

Trong khi đó, lạm phát dường như đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Thước đo ưa thích của Fed là lạm phát lõi đã tăng 4,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Một thước đo của Fed Dallas cho biết, lạm phát tăng 4,4% trong 6 tháng, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Fed.

Anna Wong, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cho biết, những động thái trong 2 tháng qua cho thấy Fed gần đây đã lo ngại nhiều hơn về việc đà tăng trưởng sụt giảm hơn là lạm phát. Lạm phát thì chưa dừng tăng ngay lập tức.

Wong cho rằng, khi lạm phát vẫn cách xa mục tiêu của Fed và tỷ lệ thất nghiệp gần thấp nhất lịch sử, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất ít nhất 2 lần nữa để ứng phó với áp lực giá mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Dù dữ liệu đã có phần ổn định, nhưng một số chỉ báo khác lại cho thấy ngân hàng trung ương cần thận trọng, chẳng hạn như chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của Conference Board đang báo hiệu một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong 12 tháng tới. Khi các dữ liệu chưa thực sự rõ ràng, các ngân hàng trung ương thường có xu hướng hành động chậm lại.

Jeff Fuhrer, cựu Giám đốc nghiên cứu tại Fed Boston, cho biết: "Trước đây, chúng ta có thể dự báo lạm phát của ngày mai từ số liệu của ngày hôm nay, ngoại trừ thời điểm nguồn cung đẩy giá lên cao. Thời điểm này hơi khác một chút, tôi không cho rằng lạm phát tăng lên vì nhu cầu quá lớn".

Trong năm nay, các quan chức đã phát tín hiệu về việc dự định đưa lãi suất xuống một phạm vi hạn chế, ước tính trung bình vào tháng 3 là lãi suất đạt 5,1% vào cuối năm và sẽ duy trì mức này trong một thời gian.

Việc tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 có thể khiến các quan chức gặp khó khăn trong việc tái khởi động nếu cần thiết. Để tránh vấn đề đó, ông Powell cần phải giải thích rõ trong cuộc họp báo sau cuộc họp rằng ngân hàng trung ương có thể phải đưa ra nhiều hành động hơn để giảm lạm phát.

Theo Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng của KPMG tại Chicago, phát đi thông điệp là việc không hề dễ dàng. Bà cho biết, rủi ro lớn nhất là thị trường bắt đầu dự đoán việc Fed hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Điều kiện tài chính được nới lỏng có thể thúc đẩy đà tăng trưởng và tăng kỳ vọng lạm phát.

Các quan chức Fed lo ngại về việc đảm bảo kỳ vọng lạm phát được duy trì. Một số thì lo lắng rằng thị trường có thể mất niềm tin vào khả năng của Fed trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% nếu vẫn cao hơn mục tiêu trong thời gian dài.

Một cuộc khảo sát của Fed Cleveland về quan điểm của doanh nghiệp cho biết, mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương là đạt mức 3,1% trong quý II năm nay. Trước đại dịch, mức này là 2,2%. Các thước đo kỳ vọng lạm phát khác lại cho thấy những con số cao hơn.

Tin bài liên quan