Biên bản cuộc họp cuối tháng 9 của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) công bố cho thấy, các quan chức của ủy ban này cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ đủ để đảm bảo chịu đựng việc tăng dần lãi suất. Thậm chí, lần đầu tiên Fed để cập tới việc tăng lãi suất cao hơn mục tiêu 3%.
Biên bản cũng cho biết, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed cũng nhận thấy áp lực nhẹ trong việc tăng lạm phát, trong đó chi phí lao động đang có dấu hiệu tăng, nhưng không lớn. Các cơn bão vừa qua có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Mỹ, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.
Sau khi biên bản cuộc họp của Fed với tín hiệu một chính sách tiền tệ diều hâu được duy trì, thậm chí còn mạnh hơn, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Tư.
Kết thúc phiên 17/10, chỉ số Dow Jones giảm 91,74 điểm (-0,36%), xuống 25.706,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,71 điểm (-0,03%), xuống 2.809,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,79 điểm (-0,04%), xuống 7.642,70 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Tư do nhóm cổ phiếu ôt ô sau khi được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý III kém khả quan vì cuộc chiến thương mại.
Kết thúc phiên 17/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,8 điểm (-0,07%), xuống 7.054,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 61,52 điểm (-0,52%), xuống 11.715,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 28,09 điểm (-0,54%), xuống 5.144,95 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên khởi sắc tối hôm trước của phố Wall tiếp tục giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên hồi phục tích cực trong phiên thứ Tư. Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại trong phiên này nhờ sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu bất động sản và tiện ích. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Tết Trùng cửu.
Kết thúc phiên 17/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 291,88 điểm (+1,29%), lên 23.841,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,28 điểm (+0,60%), lên 2.561,61 điểm.
Giá vàng tiếp tục điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Tư khi đồng USD hồi phục và áp lực chốt lời khi giá kim loại quý chạm mức cao nhất 10 tuần. Ngoài ra, phiên tăng mạnh trước đó của chứng khoán cũng khiến nhu cầu với kim loại quý sụt giảm. Biên bản cuộc họp của Fed vừa công bố ít có tác động tới giá kim loại quý.
Kết thúc phiên 17/10, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD (-0,21%), xuống 1.221,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,6 USD/ounce (-0,29%), xuống 1.227,4 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô Mỹ đã có phiên giảm mạnh nhất 1 tháng sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng tới 6,5 triệu thùng, gấp 3 lần mức dự báo của giới phân tích. Kho dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh bất chấp sản lượng khai thác của Mỹ giảm trong tuần trước do ảnh hưởng của cơn bão lớn Michael. Ngoài ra, đồng USD tăng lên sau biên bản cuộc họp của Fed được công bố cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu.
Kết thúc phiên 17/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,90 USD (-2,64%), xuống 70,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,05 USD (-1,29%), xuống 80,36 USD/thùng.