Fed nâng lãi suất, tỷ giá tiền đồng ít chịu tác động

Fed nâng lãi suất, tỷ giá tiền đồng ít chịu tác động

(ĐTCK) Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nâng lãi suất đã được thị trường dự báo từ sớm, vì vậy, tỷ giá VND/USD không có nhiều biến động. Trong khi đó, lãi suất huy động tiền đồng trong nước có xu hướng tăng nhẹ, trong bối cảnh mùa kinh doanh vốn đang vào giai đoạn cao điểm.

Không tác động lớn đến tỷ giá

Đúng như dự báo từ sớm của thị trường, cuối tuần qua, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018. Theo đó, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm, lên 1,25% - 1,5%/năm.

Đây là lần tăng lãi suất thứ ba, cũng là lần cuối cùng trong năm nay. Với nhận định, tăng trưởng kinh tế ổn định và thị trường việc làm có diễn biến tích cực, cơ quan này giữ nguyên dự kiến nâng lãi suất thêm 3 lần mỗi năm 2018 và 2019.

Bất chấp động thái tăng lãi suất đồng thời nâng dự báo triển vọng kinh tế của Fed, đồng USD vẫn ghi nhận sự giảm giá khá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt sau khi kết quả cuộc họp của Fed được công bố và kéo dài hướng đi xuống cho tới hết tuần.

Tại Việt Nam, sau thông tin Fed nâng lãi suất, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh giảm sau nhiều phiên yên ắng. Tỷ giá trung tâm ngày 15/12 ở mức 22.441 đồng, giảm 7 đồng so với ngày trước đó. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng được áp dụng là 23.114 đồng/USD và 21.768 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại không có nhiều biến động, chủ yếu được mua vào – bán ra quanh ngưỡng 22.680 - 22.750 đồng/USD.

Trong tháng 12, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm. Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, thị trường đã dự đoán từ sớm việc Fed tăng lãi suất, nên ảnh hưởng của diễn biến này tới VND không lớn.

Về quan hệ cung cầu ngoại tệ, các chuyên gia cho rằng, tình trạng ngoại tệ của Việt Nam trong năm 2017 cũng như 2018 khá dồi dào. Theo con số mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 46 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Chưa kể, lượng kiều hối chảy về rất tích cực. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 16%, ước đạt 13,8 tỷ USD so với mức 11,5 tỷ USD trong năm 2016, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn chứng tỏ thái độ kiên định trong lộ trình chống đô la hoá, hạn chế vay mượn bằng ngoại tệ, chuyển sang mua - bán. Vì thế, tỷ giá trong nước được đánh giá có thể sẽ bị tác động, nhưng không nhiều và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Lãi suất huy động VND tăng nhẹ

Trong khi tỷ giá tiếp tục xu hướng ổn định thì lãi suất huy động VND lại có chuyển động tăng nhẹ sau động thái của Fed.

Theo đó, các nhà băng vừa đồng loạt điều chỉnh nâng lãi suất huy động. Chẳng hạn, Sacombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1% lên 5,5%/năm. Trong khi VPBank đã nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất 0,3%/năm và nhiều nhất là 0,6%/năm.

Cụ thể, với các khoản tiền dưới 100 triệu đồng, Ngân hàng áp dụng lãi suất 5,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, nhưng trên 100 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất là 5,5%/năm, so với mức cũ là 5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng được VPBank điều chỉnh tăng mạnh nhất, từ 6,4%/năm lên 7%/năm cho khoản tiền dưới 100 triệu đồng và dao động từ 7,1 - 7,4%/năm cho khoản tiền lớn hơn.

Trước đó, BIDV là ngân hàng lớn đầu tiên khơi mào cho làn sóng tăng lãi suất, khi tăng 0,5%/năm so với lãi suất cũ đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, áp dụng ở mức 4,8%/năm. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2% một năm. Trong khi đó, với các kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng, Vietinbank đã tăng lãi suất từ mức 5,5 - 5,7%/năm lên 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5%/năm lên 6,8%/năm.

Với diễn biến này, TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng cho rằng, nâng lãi suất huy động VND là xu hướng tất yếu của các ngân hàng dịp cuối năm, bởi đây là mùa kinh doanh vốn cao điểm nhất trong năm khi nhu cầu khách hàng tăng cao. Đồng thời, việc Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD cũng tạo áp lực nhất định đối với việc huy động cả VND và ngoại tệ, nhất là khi lãi suất huy động ngoại tệ áp dụng ở các ngân hàng Việt Nam hiện nay chỉ còn 0%/năm.

Đối với vấn đề lãi suất, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã có định hướng và chính sách xuyên suốt nhằm đảm bảo mục tiêu mặt bằng lãi suất ổn định ngay khi lãi suất huy động chịu áp lực tăng. Nhờ vậy, kết thúc tháng 11/2017, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, mức phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm trong ngắn hạn và 9-10,5%/năm trong trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm trong ngắn hạn; 9,3%-11%/năm trong trung và dài hạn. Sang năm 2018, mặt bằng lãi suất này vẫn sẽ được duy trì.

Nhận định về diễn biến lãi suất năm 2018, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nửa đầu năm 2018, lãi suất sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ và chỉ chịu một số áp lực thường gặp vào cuối năm.

Tin bài liên quan