Fed nâng lãi suất, ai là kẻ chiến thắng và chiến bại?

Fed nâng lãi suất, ai là kẻ chiến thắng và chiến bại?

(ĐTCK) Cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra tuần này đang là sự kiện thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia kinh tế cũng như giới đầu tư toàn cầu. Nhiều thông tin cho rằng, Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay, rất có thể là vào tháng 9 tới. Nếu Fed thực sự nâng lãi suất, vậy ai là kẻ chiến thắng và chiến bại trong tình huống này?

Thắng

Đồng USD

Daniel Tenegauzer, chuyên gia kinh tế trưởng các thị trường mới nổi và trao đổi ngoại tệ tại RBC Capital Markets tại New York cho biết, đồng USD sẽ tiếp tục tăng lên sau khi nâng lãi suất. Các ngân hàng trung ương khác sẽ cắt giảm lãi suất và mở rộng nguồn cung tiền, hạ giá đồng tiền của họ xuống.

TTCK toàn cầu

Lãi suất tăng khiến đồng USD mạnh hơn, đồng thời kích thích nhu cầu từ Mỹ đối với các sản phẩm từ châu Á và châu Âu, từ đó giúp các thị trường này có thêm nhiều lợi nhuận. TTCK Mỹ cũng nhờ vậy mà tăng điểm, theo ý kiến của Matthew Whitbread, Giám đốc quản lý quỹ Barings Asset Management. Các ngân hàng cũng sẽ được lợi bởi họ sẽ có thêm lợi nhuận từ các khoản vay.

Các công ty bảo hiểm

Các công ty bảo hiểm đầu tư tiền phí bảo hiểm của khách hàng với mục đích có đủ khả năng để thanh toán khi có thiệt hại xảy ra và thu về lợi nhuận, bởi vậy họ không hài lòng nếu lãi suất vẫn mãi ở mức 0 như hiện nay. Tuy nhiên, điều này sắp thay đổi, lãi suất sẽ được nâng lên, cho dù chậm đến mức nào đi nữa.

Fed

Nâng lãi suất đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng. Điều này có nghĩa, Fed đã hoàn thành nhiệm vụ của một trong những định chế tài chính quyền lực nhất trên thế giới.

Lou Crandall, chuyên gia kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP tại New Jersey cho biết: “Họ được trao cho một nhiệm vụ và cho đến giờ nó vẫn đang tiến triển tốt. Nâng lãi suất chính là một biểu hiện cho việc hoàn tất quá trình”.

Thua

Ngân sách liên bang

Chính phủ Mỹ có thể phải chịu thiệt hại gần 2,9 nghìn tỷ USD tiền lãi suất trong 10 năm tới nếu lãi suất từ từ tăng lên, theo tính toán của Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO).

Người đi vay

Trong vài tháng vừa qua, các công ty Mỹ đã và đang tiến hành vay mượn từ ngân hàng một cách tích cực, để đảm bảo cho các khoản vay của mình có được mức lãi suất hợp lý. Điều này cũng giúp các công ty dễ dàng hơn trong việc mua lại cổ phần và chia lợi tức, giúp các công ty trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm chấm dứt. Charles Peabody, chuyên gia kinh tế tại Portales Partners LLC tại New York cho rằng: “Sẽ có rất nhiều áp lực lên các nhà quản lý khi lãi suất tăng, bởi họ phải đảm bảo sự tăng trưởng của lợi nhuận. Và đó sẽ là vấn đề lớn khi lãi suất được nâng lên”.

Các nền kinh tế mới nổi

Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi sẽ phải trải qua thời gian khó khăn vào nửa cuối năm 2015 bởi các nguồn tiền sẽ đổ dồn về nước Mỹ, Stephen L.Jen, Giám đốc và là người đồng sáng lập SLJ Macro Partners LLP tại London cho biết.

“Hiện tại, các nền kinh tế mới nổi đã có các dấu hiệu của việc tăng trưởng chậm lại và tôi cho rằng, nếu lãi suất tăng, tình hình nửa cuối năm 2015 tại các thị trường này sẽ còn tệ hơn nữa”, Jen nói.

Fed

Fed vừa là người chiến thắng, cũng là kẻ chiến bại nếu nâng lãi suất. Daniel Alpert, Giám đốc Westwood Capital LLC cho rằng, nếu tiến hành nâng lãi suất, Fed sẽ không còn một công cụ đắc lực nào nữa để kích thích nền kinh tế Mỹ nếu chiều hướng đi xuống lại xảy ra. Bởi vậy, nếu nâng lãi suất sau đó lại cắt giảm một lần nữa, đó sẽ là cơn ác mộng tồi tệ với kinh tế Mỹ và Fed không hề muốn điều này.

Tin bài liên quan