Nhiều tín hiệu tích cực
Tại phiên họp diễn ra trong 2 ngày 12 – 13/6 của Fed, 91,3% các thành viên thị trường, chuyên gia kinh tế tin rằng, cơ quan này sẽ nâng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018. Hiện tại, mức lãi suất liên bang – được dùng để xác định lãi suất cho các khoản vay bất động sản, tín dụng, cũng như nhiều khoản vay khác, đang đứng ở mức từ 1,5 – 1,75%/năm và được dự kiến sẽ tăng lên thêm 0,25%/năm sau phiên họp này.
Có nhiều nguyên nhân để các chuyên gia kinh tế tự tin tới vậy trong việc dự đoán động thái của Fed. Nền kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu tích cực, khi tỷ lệ thấp nghiệp đang ở mức 3,8% - gần mức thấp nhất kể từ năm 1969. Ủy ban Thương mại Mỹ vừa công bố doanh số bán lẻ trong tháng 5 với hoạt động bán hàng leo dốc so với những tháng gần đây. Tiền lương tăng trưởng nhanh hơn, trong khi lạm phát tăng lên gần tới mức mà Fed cho là “khỏe mạnh”.
Hiện tại, việc Fed nâng lãi suất trong phiên họp này gần như chắc chắn, các thành viên thị trường cũng như giới quan sát chỉ đang chia rẽ về việc liệu sẽ có 4 hay 3 lần nâng lãi suất trong năm nay. Cho tới nay, kế hoạch chính thức là sẽ có 3 lần nâng lãi suất, nhưng Fed đã đưa ra những tín hiệu cho thấy sẽ có bước đi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để giữ nền kinh tế tránh khỏi cảnh tăng trưởng quá nóng. Trong cuộc họp trước đó, cơ quan này thậm chí đã tiết lộ việc thay đổi kế hoạch cho năm 2019, hướng tới việc nâng lãi suất thêm 3 lần, thay vì 2 lần như dự định trước đó.
Các quan chức Fed sẽ công bố các số liệu kinh tế mới được cập nhật, cũng như dự báo trong thời gian tới. Các thông tin này sẽ phần nào tiết lộ kế hoạch của Fed, nhưng hiện tại, mỗi chuyên gia kinh tế đều có dự báo của riêng mình.
Chờ đợi từ tân Chủ tịch Fed
Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton cho rằng, Fed có thể nâng lãi suất 4 lần trong năm nay, nhưng không loại trừ khả năng cơ quan này sẽ tỏ ra thận trọng và giữ nguyên lộ trình 3 lần. Tất cả phụ thuộc vào sự quyết đoán của tân Chủ tịch Fed Jerome Powell.
“Một trong những mối lo ngại hàng đầu của Fed là vấn đề thương mại. Đầu tiên là những xung đột với Trung Quốc và mới đây nhất là việc Tổng thống Donald Trump lại vừa làm "rối tung" lên với G7”, Diane Swonk cho biết.
Theo đó, xung đột thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới dường như ngày càng gia tăng, nhất là khi ông Trump bỏ ngang Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 8 – 9/6 vừa qua và không ký tuyên bố chung.
Không chỉ vậy, ngay sau khi rời đi, ông Trump đã đăng hàng loạt bài viết trên mạng xã hội Twitter với các nội dung chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong đó có việc coi phát biểu của ông Trudeau tại họp báo sau Hội nghị là “rất kém cỏi và không thành thật”.
Thêm vào đó, chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định vẫn áp thuế lên thép và sản phẩm nhôm từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), đình trệ hoàn toàn việc tái thỏa thuận NAFTA, trong khi đang hoàn thiện kế hoạch đánh thuế với hàng hóa từ Trung Quốc. Các nhà kinh tế cảnh báo, các yếu tố này có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Nhận định về tình hình này, Chủ tịch Fed Powell từng khẳng định, mọi khả năng về các cuộc chiến thương mại có thể diễn ra đều không ảnh hưởng tới kế hoạch nâng lãi suất trong năm nay và năm tới của Fed. Nhưng đó chỉ là khẳng định cho tới hiện tại.
“Nếu các xung đột thương mại tiếp tục theo chiều hướng căng thẳng, không loại trừ khả năng nước Mỹ bước vào chu kỳ suy thoái năm 2019. Diễn biến này cũng với tỷ lệ lạm phát cao hơn chính là điều kiện khá xấu cho những động thái chính sách của Fed”, Diane Swonk nhận định.