Fed lại khiến giới đầu tư lo lắng

Fed lại khiến giới đầu tư lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (18/8) sau khi biên bản cuộc họp định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng trước cho thấy dấu hiệu thắt chặt chính sách đang đến rất gần.

Thứ Tư, biên bản cuộc họp ngày 27-28/7 của Fed mà cả thị trường chờ đợi được công bố. Các quan chức của Fed chia ra hai phía, một nhóm bày tỏ lo lắng về lạm phát tăng nhanh và thúc giục các nhà hoạch định chính sách bắt tay vào chuẩn bị cho các động thái. Một nhóm khác thì cho rằng sẽ còn mất thêm thời gian để đưa người Mỹ trở lại làm việc để và đòi hỏi sự kiên nhẫn từ ngân hàng trung ương.

Mặc dù vậy, biên bản cho thấy, Fed sẽ thảo luận về thời điểm giảm dần chương trình thu mua tài sản hỗ trợ nền kinh tế trong những cuộc họp tới.

Ngoài ra, các quan chức Fed bày tỏ lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta gây ra dịch bệnh Covid-19 có thể làm bất ổn thị trường tài chính, tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế Mỹ .

Biên bản của Fed đã khiến nỗi lo sớm thắt chặt chính sách đè nặng lên tâm lý giới đầu tư. Thị trường hiện tại sẽ dồn sự chú ý sang hội thảo nghiên cứu hàng năm của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, vào tuần tới để rõ về các động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, Fed sẽ công bố kế hoạch giảm bớt thu mua tài sản sớm nhất là trong cuộc họp chính sách từ ngày 21 – 22/9.

Hầu hết các ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm, trong đó các lĩnh vực chủ lực như năng lượng và tiêu dùng có hiệu suất kém nhất.

Bộ ba chỉ số chính chìm trong sắc đỏ trong phiên đêm qua. Trong khi đó, trong phiên ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng đi ngang

Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Dow Jones giảm 382,59 điểm (-1,08%), xuống 34.960,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 47,81 điểm (-1,07%), xuống 44.400,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 130,27 điểm (-0,89%), xuống 14.525,91 điểm.

Chứng khoán châu Âu chưa thể khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi những lo ngại gia tăng về sự gia tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vẫn còn hiện hữu.

Chứng khoán Anh giảm nhẹ sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 7 của nước này bất ngờ giảm xuống mức mục tiêu 2% của mà Ngân hàng Trung ương Anh đặt ra.

Kết thúc phiên 18/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,79 điểm (-0,16%), xuống 7.169,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 44,02 điểm (+0,28%), lên 15.965,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 49,733 điểm (-0,73%), xuống 6.770,11 điểm.

Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại, dẫn đầu bởi mức tăng của Fujifilm và các cổ phiếu phòng thủ khác.

Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng khi các cổ phiếu tài chính phục hồi nhờ Bắc Kinh cam kết ngăn chặn những rủi ro tài chính lớn.

Chứng khoán Hồng Kông hồi phục sau phiên giảm mạnh nhất trong ba tuần vào hôm qua. Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, chấm dứt chuỗi giảm liên tiếp 8 phiên trước đó.

Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 161,44 điểm (+0,59%), lên 27.585,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,31 điểm (+1,11%), lên 3.485,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 121,14 điểm (+0,47%), lên 25.867,01 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 15,84 điểm (+0,50%), lên 3.158,93 điểm.

Giá vàng đêm qua bất ngờ bật tăng do đồng USD quay đầu suy yếu sau khi biên bản cuộc họp định kỳ tháng trước của Fed được công bố.

Kết thúc phiên 18/8, giá vàng giao ngay tăng 2,00 USD (-0,11%), xuống 1.788,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 3,40 USD (-0,19%), xuống 1.782,30 USD/ounce.

Giá dầu suy yếu phiên thứ năm liên tiếp trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn lo lắng về triển vọng nhu cầu nhiên liệu dịch bệnh vẫn diễn biến căng thẳng trên toàn thế giới bất chấp dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 435,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020, theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ.

Tuy nhiên, các kho dự trữ xăng tăng nhẹ và sản phẩm xăng cung cấp cho thị trường đạt 9,5 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1% so với mức tại năm 2019.

Kết thúc phiên 18/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,13 USD (-1,7%), xuống 65,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,80 USD (-1,2%), xuống 68,23 USD/thùng.

Tin bài liên quan