Theo biên bản công bố hôm 22/5 của cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm khi họ vẫn phải tìm cách giải quyết lạm phát duy trì dai dẳng trên ngưỡng mục tiêu dài hạn 2% của ngân hàng này.
Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy các quan chức Fed nhìn chung cảm thấy rằng các số liệu gần đây không đủ để củng cố niềm tin rằng lạm phát đang tăng bền vững ở mức 2%.
Fed cho biết, báo cáo lạm phát đáng thất vọng cùng số liệu kinh tế mạnh mẽ trong quý I/2024 khiến họ kết luận rằng “sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây” để giới chức tin tưởng lạm phát đang giảm dần.
Một số thành viên của FOMC chia sẻ suy nghĩ rằng tăng trưởng tổng cầu sẽ cần phải chậm lại để đạt được mục tiêu lạm phát đề ra.
Fed cho biết thêm, nhiều nhà hoạch định chính sách khác cũng đề cập đến việc sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa, nếu rủi ro lạm phát xảy ra theo cách khiến một hành động như vậy trở nên phù hợp.
Trong một tín hiệu tích cực hơn, biên bản của Fed lưu ý rằng các biện pháp trung và dài hạn về lạm phát dự kiến vẫn được giữ vững. Điều này được coi là rất quan trọng để đáp ứng mục tiêu lạm phát của Fed một cách bền vững.
Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính CME Group, thị trường hiện đặt cược rằng Fed có gần 60% khả năng sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào giữa tháng Chín.
Nếu kịch bản nêu trên thực sự xảy ra, động thái của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ trở nên nổi bật giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump. Trong các đề tài tranh luận, tình hình nền kinh tế Mỹ cũng như vấn đề chi phí sinh hoạt dường như sẽ trở thành điểm thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Theo một khảo sát hàng năm công bố mới đây của Fed, các gia đình Mỹ tiếp tục cảm nhận tác động của lạm phát vào cuối năm 2023, dù sức ép giá cả giảm.
Khoảng 72% số người trưởng thành đảm bảo về tài chính vào tháng 10/2023, giảm so với mức 78% năm 2021 và thấp nhất kể từ năm 2016, dù không thay đổi nhiều so với con số 73% của năm 2022.
Tỷ lệ các bậc cha mẹ đảm bảo về tài chính giảm 5 điểm phần trăm, xuống 64%, mức thấp nhất kể từ năm 2015, khi số liệu bắt đầu được thống kê.
Lạm phát vẫn là mối lo ngại lớn nhất liên quan đến tài chính. 65% số người trưởng thành cho rằng giá cao đã khiến tình hình tài chính của họ khó khăn hơn, dù lạm phát giá tiêu dùng giảm mạnh từ mức khoảng 9% vào tháng 6/2022 xuống dưới 4% vào thời điểm khảo sát được thực hiện.
Trong khi 34% cho biết thu nhập hàng tháng của gia đình tăng trong một năm, 38% nói mức chi của họ cũng tăng.
Trong bối cảnh trên, tập đoàn bán lẻ Target đã giảm giá hơn 1.500 mặt hàng phổ biến, từ bơ đến bột giặt, giữa bối cảnh khi Target đang cố gắng thu hút những người mua sắm thận trọng với lạm phát do giá hàng hóa tăng cao.
Các nhà bán lẻ lớn khác, như Ikea và Aldi, cũng đã triển khai những chương trình giảm giá trong những tháng gần đây nhằm thu hút người tiêu dùng đến cửa hàng và lôi kéo họ tiêu tiền, vì nhiều người có xu hướng cắt giảm chi tiêu vì lạm phát.
Nợ Chính phủ Mỹ đã tăng gần 50% kể từ đầu đại dịch Covid-19, làm dấy lên quan ngại cho cả Phố Wall và chính phủ nước này.
Hiện khoản nợ của chính phủ liên bang lên tới 34.500 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 11.000 tỷ USD so với tháng 3/2020. Trước đây, những lo ngại về mức nợ “khủng” phần lớn thường xuất hiện trong cuộc tranh cãi giữa các đảng cầm quyền, cũng như những tổ chức giám sát như Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm liên bang.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2024 ở mức 1.600 tỷ USD, con số này đã lên tới 855 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 10/2023 - 4/2024, và sẽ tăng lên 2.600 tỷ USD trong năm 2034. Tỷ lệ thâm hụt trên GDP sẽ tăng từ 5,6% trong năm nay lên 6,1% trong 10 năm.