Những phát biểu nói trên ám chỉ Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế và các thị trường tài chính thêm một thời gian nữa, đồng thời nhấn mạnh lại thông điệp của Chủ tịch Fed Ben Bernanke rằng, số phận của gói kích thích không bị giới hạn bởi một lịch cố định nào, mà tùy thuộc vào tình hình kinh tế.
Ba quan chức Fed nói trên, những người có thể bỏ phiếu cho chính sách tiền tệ của Mỹ năm nay, đã không nói chính xác thời điểm mà họ tin gói kích thích nên cắt giảm - một câu hỏi thường trực và trung tâm của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại - khi gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) của Mỹ đã bước sang tháng thứ 14.
Thống đốc Jerome Powell nói, thời điểm đó không nhất thiết phải xác định, vì nó còn phụ thuộc vào tiến độ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, Chủ tịch Fed ở Boston, ông Eric Rosengren viện dẫn bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương như một lý do để nhẫn nại chờ cuộc họp chính sách tháng tới.
“Điều hợp lý mà mọi người nên mong đợi chúng tôi làm là minh bạch hóa và thận trọng xem xét thời điểm thu hẹp chương trình kích thích kinh tế, hoặc nếu có cắt giảm thì cũng tiến hành một cách từ từ”, Powell nói tại Hội nghị Chính sách kinh tế châu Á ở San Francisco đầu tuần này.
Fed cũng nên “giữ bổn phận của mình là chỉ làm điều đó khi tổng cầu của nền kinh tế Mỹ thực sự mạnh lên”, Powell nói thêm. “Đó là những gì chúng tôi có thể làm, phải làm và nên làm”.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đang mua 85 tỷ USD tài sản dài hạn mỗi tháng để thúc đẩy đầu tư và thuê mướn nhân công thông qua giảm chi phí vay dài hạn. Tháng trước, Fed tuyên bố vẫn kiên trì với chương trình này, khẳng định, cần có thêm bằng chứng về tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước khi cắt giảm. Cả Powell và Rosengren đều ủng hộ, góp vào 9/10 phiếu thuận.
Với tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần kể từ khi gói QE3 được triển khai và những lo ngại về một bảng cân đối phình to của Fed - hiện đã ở mức kỷ lục 3,8 nghìn tỷ USD - các nhà đầu tư ngày càng nghĩ nhiều về thời điểm Fed sẽ kết thúc gói chính sách này.
Tuy nhiên, chính các quan chức Fed lại tỏ ra thận trọng. “Theo tôi, Fed không việc gì phải vội, bởi lạm phát vẫn còn thấp”, Chủ tịch Fed ở St. Louis, ông James Bullard nói với kênh truyền hình CNBC. Ông Bullard cũng là người đã bỏ phiếu ủng hộ phương án chưa dừng gói QE3.
Ông Bullard cho biết, ông muốn nhìn thấy lạm phát tăng trở lại và hướng về mức mục tiêu 2% của Fed trước khi ủng hộ cắt giảm hoạt động mua trái phiếu. Đến giờ, lạm phát mới chỉ sát mức 1%, Bullard nhấn mạnh.
Rosengren, một người ủng hộ các chính sách dài hạn, đưa ra dữ liệu so sánh hai hướng tiếp cận “giả thiết” đối với chương trình nới lỏng định lượng: một là, hoạt động mua tài sản sẽ không thay đổi cho đến tháng 4 năm sau; và hai là, giảm lượng mua tài sản mỗi tháng xuống còn 75 tỷ USD trong tháng 12/2013, 50 tỷ USD trong tháng 1/2014, 25 tỷ USD trong tháng 3/2014 và kết thúc hoàn toàn vào tháng 4/2014.
“Ngày bắt đầu chênh nhau từ 1 đến 2 quý sẽ chỉ tạo ra những thay đổi tương đối nhỏ trong quy mô tổng thể của bảng cân đối của Fed”, Rosengren phát biểu tại Đại học Massachusetts ở Boston. “Đó đương nhiên là một lý do cho việc chờ đợi trước khi bắt đầu giảm quy mô mua tài sản”.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 7,2% trong tháng 9, giảm từ mức 7,8% của một năm trước đó. Tăng trưởng GDP của nước này là khoảng 2,2% kể từ khi suy thoái kết thúc năm 2009.
Một nhà hoạch định chính sách thứ tư của Fed là Richard Fisher, Chủ tịch Fed ở Dallas, đã nói với các nhà kinh tế ở Sydney (Úc) rằng, ông không nghĩ Fed sẽ kéo dài chương trình mua trái phiếu của mình một cách vô hạn định, hay tăng quy mô của nó.
Tuy nhiên, ngay cả Fisher, một người vốn kịch liệt phản đối chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, cũng nói ông tin Fed sẽ giữ lãi suất thấp trong một thời gian dài.
Tựu chung lại những ý kiến của 4 quan chức Fed nói trên, có thể thấy, tinh thần của Ngân hàng Trung ương Mỹ là chưa sẵn sàng giảm gói QE3 trong tháng 12 tới.