Fed lý giải mục đích của động thái này là nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ trước diễn biến phức tạp của dịch cúm Covid-19.
Hiện dịch bệnh này đã lan ra 85 quốc gia trên thế giới, riêng ở Mỹ có 128 người nhiễm, trong đó có một vài ca nhiễm chưa rõ nguồn gốc lây bệnh.
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 11 trên thế giới và chưa cho thấy dấu hiệu có khả năng kiểm soát được dịch.
Mặc dù giới tài chính đã kỳ vọng Fed sớm hành động sau phát biểu của Chủ tịch Fed vào ngày 28/2 rằng Fed sẽ hành động phù hợp, tuy nhiên, khi Fed thực sự hành động thì thị trường chứng khoán lại phản ứng trái chiều.
Chỉ số Dow Jones giảm 786 điểm, tức giảm 2,94%; chỉ số S&P 500 giảm 2,81% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3%. Ngược lại, các thị trường chứng khoán khác lên điểm khá mạnh.
Tại khu vực châu Á, chỉ số SHANGHAI tăng 0,64%, chỉ số SHANGHAI 50 tăng 0,96%; chỉ số NIKKEI 225 tăng 0,1%; chỉ số KOSPI tăng 2,24%. Ở khu vực châu Âu, các chỉ số lớn như FTSE 100 tăng 1,01%, FTSE All tăng 1%, DAX tăng 0,76%, CAC 40 tăng 1,25%, FTSE MIB tăng 0,45%...
Như vậy, có thể thấy, các thị trường tài chính ngoài Mỹ đều phản ứng khá tích cực với thông tin Fed hạ lãi suất, trong khi tại thị trường chứng khoán Mỹ hiện tượng tin ra bán ngắn hạn đã xuất hiện.
Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019, khi Fed hạ lãi suất tổng cộng 0,75% chia làm 3 đợt, các quốc gia khác cũng hành động tương tự. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tái khởi động chương trình mua trái phiếu chính phủ tại mức 20 tỷ EURO/tháng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm 0,05% đối với lãi suất giao dịch thỏa thuận đảo ngược ngắn hạn và lãi suất cho vay tiêu chuẩn. Các ngân hàng trung ương khác như Australia, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga… cũng cắt giảm lãi suất theo.
Lịch sử cho thấy, rất nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách tiền tệ phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới, mà cụ thể là Fed.
Điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục lặp lại ở thời điểm hiện tại, các quốc gia muốn nhanh chóng khôi phục lại sản xuất - kinh doanh hậu dịch bệnh buộc phải tung ra các gói kích thích để vực dậy nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm cả cung và cầu.
Sau khi Trung Quốc, Mỹ tung ra các gói cứu trợ nền kinh tế, các quốc gia lớn còn lại được kỳ vọng sẽ sớm tung ra các gói kích cầu.
Tuy nhiên, mỗi khu vực sẽ có các chính sách kích cầu khác nhau.
Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và ECB do đã áp dụng chính sách lãi suất thấp, lần lượt -0,1% và 0% nên khả năng sẽ tung ra các gói kích cầu khác, trong khi các quốc gia có lãi suất dương nhiều khả năng sẽ áp dụng.
Điều này lý giải cho việc vì sao các thị trường chứng khoán ngoài Mỹ ngay lập tức bật tăng mạnh sau khi Fed hạ lãi suất, giới đầu tư ở các quốc gia đang kỳ vọng chính phủ ở quốc gia mình sớm tung ra các gói kích cầu cũng như triển vọng tăng giá của các tài sản tài chính như chứng khoán.
Điều lạ trong lần hạ lãi suất này của Fed là giá các tài sản trú ẩn như vàng và trái phiếu có dấu hiệu hút dòng tiền. Vàng bật tăng mạnh trong phiên 3/3, các tài sản khác như lợi tức trái phiếu Mỹ tiếp tục suy giảm.
Thông thường, lợi tức trái phiếu sẽ ngược với dòng tiền, dòng tiền đầu tư tăng đẩy lợi tức trái phiếu giảm.
Trong 3 lần hạ lãi suất trong năm 2019, mỗi khi Fed thực hiện chính sách thì các kênh trú ẩn có dấu hiệu bị bán ra, giá vàng điều chỉnh và lợi tức trái phiếu hồi phục trở lại ở tất cả các kỳ hạn.
Việc Fed hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống lại đà suy giảm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng dòng tiền của giới đầu tư lại tiếp tục không chảy vào chứng khoán, vào sản xuất - kinh doanh mà lại đi tìm nơi trú ẩn báo hiệu tâm lý nhà đầu tư bên Mỹ đang rất thận trọng.
Xét về lợi tức trái phiếu, nắm giữ trái phiếu 6 tháng có lợi tức 0,71%, trong khi nắm giữ 1 năm chỉ được lãi suất là 0,587%.
Như vậy, có thể thấy, ngoài ưu tiên cầm tài sản an toàn, giới đầu tư đang ưu tiên kỳ hạn ngắn của tài sản thay vì kỳ hạn dài. Điều này chỉ xảy ra khi giới đầu tư dự đoán kinh tế tiếp tục khó khăn, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.
Mặc dù chỉ báo lợi tức trái phiếu đảo ngược không nói lên rằng kinh tế sẽ suy thoái, tuy nhiên việc rất nhiều nhà đầu tư cùng ưu tiên cất giữ tiền ở trái phiếu ngắn hạn như vậy cho thấy niềm tin vào thị trường đang suy yếu.
Hiện tại, vẫn có một lượng lớn nhà đầu tư đang hoài nghi về hiệu quả của các chính sách kích cầu và thực hiện chiến lược phòng thủ vào các tài sản an toàn.
Điều này nếu kéo dài sẽ gây hệ lụy toàn bộ nền kinh tế thế giới, tạo cho giới đầu tư sự trên thị trường cổ phiếu hiện nay bất an.