Đêm ngày 15/3/2020 (giờ Việt Nam), Fed đã tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có, gồm nhiều công cụ khác nhau, mà không cần chờ đến cuộc họp chính thức ngày 17-18/3.
Nguyên nhân quyết định của Fed được thị trường nhận định do bởi sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19, nhất là ở châu Âu và Mỹ cũng như thị trường tài chính Mỹ có dấu hiệu căng thẳng, tác động tiêu cực đến kinh tế và thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu.
Năm tác động đối với kinh tế - tài chính Mỹ và Thế giới
Thứ nhất, việc tung ra gói hỗ trợ nhiều giải pháp của Fed lần này có thể đánh giá là có sự chủ động hơn với thị trường và nền kinh tế; qua đó, có thể giảm bớt các tác động của dịch Covid-19 tới thị trường tài chính Mỹ trong ngắn hạn nhưng khó bền vững do dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lan mạnh và Chính phủ các nước (đặc biệt là châu Âu) chưa cho thấy khả năng kiểm soát dịch tốt.
Thứ hai, việc Fed liên tiếp cắt giảm lãi suất cơ bản, về mức thấp kỷ lục 0-0,25% sẽ góp phần làm giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, nhất là đối với hoạt động đầu tư, tiêu dùng.
Tuy nhiên, đối với người dân và doanh nghiệp Mỹ, việc hạ lãi suất cơ bản cũng như nói lỏng định lượng chưa phải là nhu cầu bức thiết lúc này vì chính sách này có độ trễ, trong khi người dân và doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu tiền mặt, thanh khoản tức thời để chi tiêu, cũng như chi trả các khoản cấp bách như tiền chữa bệnh, bảo hiểm y tế, trả lương, thanh toán các hóa đơn và trả nợ đến hạn.
Vì vậy, động thái này nhằm hỗ trợ thị trường tài chính nhiều hơn là nền kinh tế. Chính vì vậy, Fed mong đợi Chính phủ và Quốc Hội Mỹ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc cung cấp các gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, việc Fed tung ra gói hỗ trợ và giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ hai cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ rất khó khăn, rất nhiều rủi ro ở phía trước, trong bối cảnh Mỹ bắt đầu chịu tác động rõ nét hơn bởi dịch Covid-19 (bên trong và ngoài Mỹ).
Chính vì vậy, ngay sau khi Fed công bố gói hỗ trợ ngày 15/3, các chỉ số tương lai đều giảm, trong đó Dow Jones Futures giảm -4,6%, S&P Futures giảm -4,78%...
Thứ tư, động thái này của Fed sẽ kéo theo làn sóng ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tiếp tục hạ lãi suất, mặc dù dư địa hạ lãi suất không còn nhiều, do mức lãi suất cơ bản hiện nay của các nước đã rất thấp (ví dụ lãi suất cơ bản của Anh chỉ là 0,25%, của Úc là 0,5%; của Canada là 1,25%...), thậm chí lãi suất cơ bản của một số nước đã ở mức âm (như của Nhật Bản là -0,1%, của Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB là -0,5% ...).
Thứ năm, việc Fed hạ lãi suất cơ bản và lãi suất tái chiết khấu, nới lỏng định lượng (700 tỷ USD) sẽ góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường.
Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm đến các công cụ an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ và vàng, khiến giá trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng (đồng nghĩa là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể tiếp tục giảm), mặc dù đã ở mức thấp nhất trừ trước đến nay.
Ngoài ra, do việc “dư thừa” thanh khoản, có thể khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp dịch chuyển vào những nước “an toàn” hơn, ít chịu tác động bởi dịch bệnh hơn.
Tác động hai chiều đối với thị trường chứng khoán Việt
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donal Trump cho rằng, quyết định hạ lãi suất của Fed sẽ giúp TTCK khởi sắc, nhưng thực tế cho thấy giới đầu tư vẫn rất lo lắng về khả năng dịch bệnh sẽ tiếp tục xô đẩy đà suy thoái, ngay cả khi lãi suất vay đã được cắt giảm.
Cụ thể, chứng khoán tương lai của Mỹ vẫn mất giá trong tối 15/3: chứng khoán tương lai Dow Jones đã mất khoảng 1.040 điểm (4,6%) trong khi chứng khoán tương lai S&P 500 mất 5%.
Đối với TTCK Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, động thái này của Fed sẽ có tác động hai chiều.
Một mặt, với thanh khoản dồi dào hơn, dòng tiền đầu tư tìm đến những thị trường an toàn hơn, ít chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Vì vậy, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng với các động thái chính sách quyết liệt hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ là một lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Mặt khác, nhà đầu tư cũng chịu tác động tâm lý khá lớn, có thể khiến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam sụt giảm.
“Vì vậy, việc hoàn thành tốt “mục tiêu kép” như các nghị quyết, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cùng với hành động kịp thời trấn an tâm lý nhà đầu tư và quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ là động lực tích cực quan trọng cho TTCK năm nay”, TS. Lực nhấn mạnh.