Fed giữ nguyên lãi suất, giới đầu tư đua nhau mua cổ phiếu

Fed giữ nguyên lãi suất, giới đầu tư đua nhau mua cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Tư (20/3), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết giữ nguyên lãi suất và dự báo vẫn có khả năng cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,75% vào cuối năm 2024.

Tuyên bố chính sách mới của Fed mô tả lạm phát vẫn ở mức "cao" và các dữ liệu kinh tế đã được cập nhật cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - PCE lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tăng 2,6% vào cuối năm, so với 2,4% trong các báo cáo được đưa ra vào tháng 12.

Tuy nhiên, 10 trong số 19 quan chức của Fed vẫn thấy lãi suất chính sách cần giảm ít nhất 0,75% vào cuối năm nay.

"Thị trường cảm thấy nhẹ nhõm khi Fed vẫn dự kiến sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay ngay cả khi các chỉ số lạm phát được công bố gần đây vẫn ở mức cao đã không làm chệch hướng kế hoạch của Fed cho đến nay”, Irene Tunkel, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Mỹ tại BCA Research ở Sarasota, Florida, cho biết.

Thúc đẩy đà tăng giúp các chỉ số trở lại mức điểm kỷ lục phiên này là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn ,với Alphabet, Amazon, Microsoft và Nvidia đều nhích hơn 1%, còn cổ phiếu Meta Platforms tăng gần 2%. Những cổ phiếu bị tụt lại gần đây trên thị trường là Apple và Tesla cũng lần lượt tăng 1,5% và 2,5%.

Kết thúc phiên 20/3: Chỉ số Dow Jones tăng 401,37 điểm (+1,03%), lên 39.51,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 46,11 điểm (+0,89%), lên 5.224,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 202,62 điểm (+1,25%), lên 16.369,41 điểm.

Chứng khoán châu Âu đi ngang, khi giới đầu tư hạn chế giao dịch trước cuộc họp quan trọng của Fed vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu gần như không đổi ở mức 505,21 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là của nhãn hàng xa xỉ của Pháp là Kering, giảm 11,9% sau khi ước tính doanh số quý đầu tiên của năm nay có khả năng giảm khoảng 10%. Kết hợp với cảnh báo lợi nhuận suy giảm từ Burberry vào tháng 1, lĩnh vực cao cấp đang phải vật lộn với sự sụt giảm nhu cầu ngày càng tăng/

Trong một phản ứng dây chuyển, các cổ phiếu xa xỉ khác như LVMH, Burberry, Richemont và Christian Dior giảm từ 1,6% đến 3,2%.

"Sự sụt giảm của Kering là một cảnh báo rằng sự chậm lại đang diễn ra ở Trung Quốc đang có tác động thực sự trên toàn cầu. Sự phục hồi hậu Covid của Trung Quốc chưa thực sự xảy ra và rõ ràng người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang cắt giảm mua sắm các mặt hàng xa xỉ khi họ thắt lưng buộc bụng", Stuart Cole, nhà kinh tế trưởng tại Equiti Capital cho biết.

Hiện sự tập trung của nhà đầu tư vẫn là cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào cuối ngày thứ Tư và dự báo được coi là chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, trong khi mọi con mắt sẽ đổ dồn vào biểu đồ "dot plot" để có thêm manh mối về con đường tương lai của lãi suất.

Kết thúc phiên 20/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,92 điểm (-0,01%), xuống 7.737,38 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 27,64 điểm (+0,15%), lên 18.015,13 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 39,63 điểm (-0,48%), xuống 8.161,41 điểm.

Giá dầu thô giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ lãi suất ổn định.

Thông tin khác là Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15-3 đã giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, tồn kho dầu giảm 2 triệu thùng xuống 445 triệu thùng, ngược so với kỳ vọng tăng 13.000 thùng của các nhà phân tích.

Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,79 USD/thùng (-2,14%), xuống 81,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,43 USD (-1,64%), xuống 85,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan