Ảnh AFP

Ảnh AFP

Fed gieo sầu cho giới đầu tư

(ĐTCK) Dự báo tiêu cực về kinh tế Mỹ của Fed khiến giới đầu tư lo sợ, đẩy Dow Jones và S&P có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi Nasdaq lại ngược dòng tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào chiều thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0 - 0,25%/năm và cho biết giữ nguyên mức lãi suất này cho tới 2022, không giảm như kỳ vọng.

Ngoài ra, Fed dự báo suy giảm kinh tế Mỹ năm nay ở mức 6,5%, tỷ lệ thất nghiệp 9,3%, cũng như tuyên bố đại dịch sẽ tác động nặng nề tới triển vọng tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ trong thời gian tới.

Cũng theo Fed, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm hơn dự kiến và cơ quan này sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến khi kinh tế hồi phục.

Trong một tin tức khác hôm nay, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay, nếu có thể tránh được làn sóng thứ hai của Covid-19. OECD cũng cho biết, nền kinh tế thế giới có xu hướng chặt chẽ và một làn sóng đại dịch thứ hai sẽ là một cú đánh khủng khiếp đối với nền kinh tế thế giới.

Sau thông tin từ Fed, nỗ lực trở lại của Dow Jones và S&P đã bất thành, 2 chỉ số này bị đẩy mạnh trở lại trong cuối phiên, trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Microsoft và Apple, chỉ số Nasdaq tiếp tục duy trì chuỗi đà tăng của mình và tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Dow Jones giảm 282,31 điểm (-1,04%), xuống 26.989,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,04 điểm (-0,53%), xuống 3.190,14 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,59 điểm (+0,67%), lên 10.020,35 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm tiếp theo khi nhà đầu tư chờ đợi dự báo kinh tế của Fed sau cuộc họp kéo dài 2 ngày trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái từ tháng 2.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,69 điểm (-0,10%), xuống 6.329,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 87,83 điểm (-0,70%), xuống 12.530,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 41,68 điểm (-0,82%), xuống 5.053,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã kịp trở lại sắc xanh nhạt sau khi điều chỉnh giảm trước đó do áp lực chốt lời. Chứng khoán Hàn Quốc cũng có phiên tăng thứ 9 liên tiếp với kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông quay đầu giảm điểm sau dữ liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc được công bố.

Theo đó, số giá sản xuất (PPI) trong tháng 5 của Trung Quốc sụt xuống 3,7% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2016 và cao hơn mức dự báo chỉ là giảm 3,3%. Điều này phản ánh áp lực ngày càng gia tăng đối với lĩnh vực sản xuất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn dòng chảy thương mại và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 33,92 điểm (+0,15%), lên 23.124,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,36 điểm (-0,42%), xuống 2.943,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 7,49 điểm (-0,03%), xuống 25.049,73 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,77 điểm (+0,31%), lên 2.195,69 điểm.  

Lình xình trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng sau đó quay đầu giảm vào giữa phiên giao dịch Mỹ khi nhà đầu tư thận trọng đợi kết quả cuộc họp của Fed. Về cuối phiên, sau khi thông tin Fed giữ nguyên lãi suất, không giảm như kỳ vọng, đồng thời đưa ra mức dự báo suy giảm kinh tế Mỹ năm nay ở mức 6,5%, tỷ lệ thất nghiệp 9,3%, cũng như tuyên bố đại dịch sẽ tác động nặng nề tới triển vọng tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ trong thời gian tới, giá vàng đã nhảy vọt trở lại cuối phiên.

Bên cạnh đó, việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng cũng hỗ trợ cho giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 10/6, giá vàng giao ngay tăng 24,7 USD (+1,44%), lên 1.739,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,2 USD (-0,07%), xuống 1.720,7 USD/ounce.

Giá dầu thô lúc đầu điều chỉnh giảm trở lại, có lúc mất 2% sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho biết, tồn kho dự trữ dầu của Mỹ tăng 5,7 triệu thùng trong tuần trước, lên 538,1 triệu thùng, mức kỷ lục, làm gia tăng trở lại mối lo dư thừa nguồn cùng.

Tuy nhiên, về cuối phiên, giá dầu thô đã hồi trở lại khi đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất 3 tháng, hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá vàng đồng USD như dầu, vàng.

Kết thúc phiên 10/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,66 USD (+1,69%), lên 39,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,55 USD (+1,34%), lên 41,73 USD/thùng.

Tin bài liên quan