Hôm qua (8/10), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng trước của mình. Theo biên bản này, các thành viên của Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC) đồng ý giữ mức lãi suất thấp cho tới khi nên kinh tế được cho là sẽ chịu đứng được, chứ không đưa ra thời gian cụ thể.
Cũng theo biên bản, các thành viên của FED lo sợ việc tăng lãi suất sớm sẽ gây tác hại kép lên nền kinh tế Mỹ, bởi kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu yếu đi, trong khi đồng USD tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Mỹ. Vì vậy, đa số đồng ý sẽ giữ nguyên mức lãi suất thấp cho tới khi nào nền kinh tế mạnh hơn và có thể chịu đựng được với thay đổi chính sách này.
Sau khi biên bản cuộc họp của FED được công bố, giới đầu tư phố Wall đã hồ hởi trở lại sau phiên bán tháo trước đó. Các chỉ số chính của phố Wall có ngày khởi sắc với mức tăng mạnh nhất trong năm, không chỉ lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên lao đốc trước đó, mà còn dôi ra thêm, bù đắp luôn cả phiên giảm đầu tuần.
Kết thúc phiên 8/10, chỉ số Dow Jones tăng 274,83 điểm (+1,64%), lên 16.994,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 33,79 điểm (+1,75%), lên 1.968,89 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 83,39 điểm (+1,90%), lên 4.385,20 điểm.
Trong khi phố Wall hồi phục mạnh trở lại, thì chứng khoán châu Âu vẫn chìm trong sắc đỏ, xuống mức thấp nhất 1 tháng rưỡi. Niềm vui từ Mỹ đến quá muộn, không thể cứu vãn được tình thế của chứng khoán châu Âu, vốn đang bị che phủ bởi nỗi lo suy giảm kinh tế của khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu còn đối mặt với một nỗi sợ nữa là dịch bệnh Ebola khi ca nghi nhiễm đầu đã được phát hiện ở Tây Ban Nha. Với một nền kinh tế vốn không khỏe mạnh, nay nếu có thêm dịch bệnh Ebola tấn công, kinh tế khu vực này chắc chắn sẽ rơi vào thảm cảnh hơn. Chính vì vậy, giới đầu tư khu vực này có lý do để lo sợ.
Kết thúc phiên 8/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 13,34 điểm (-0,21%), xuống 6.482.24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 90,88 điểm (-1,00%), xuống 8.995,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 41,02 điểm (-0,97%), xuống 4.168,12 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD giảm trở lại, cùng với dữ liệu nhà máy yếu kém ở Đức được công bố hôm trước và IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu đã khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm. Chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm điểm sau 2 phiên tăng tích cực. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có sự trở lại đầy ấn tượng sau 1 tuần nghỉ Lễ Quốc khánh.
Kết thúc phiên 8/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 184,85 điểm (-1,17%), xuống 15.595,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 159,19 điểm (-0,68%), xuống 23.263,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 18,92 điểm (+0,80), lên 2.382,79 điểm.
Sau khi biên bản cuộc họp của FED được công bố, đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất 2 tuần, đứng ở 85,198. Phiên trước đó, chỉ số USD cũng đã giảm 1,8% từ mức cao nhất 4 năm. So với đồng euro, đồng USD cũng tiếp tục giảm, trong khi lại giữ ổn định so với đồng yên.
Giá vàng có lúc giảm mạnh trở lại trong phiên, nhưng sau biên bản cuộc họp của FED được công bố, kéo đồng USD giảm mạnh, giá kim loại quý ngay lập tức được hỗ trợ để quay đầu tăng mạnh trở lại, vượt qua cả mốc 1.220 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 không kịp trở lại, nên đóng cửa giảm giá, nhưng ngay khi mở cửa phiên mới, giá vàng giao tháng 12 cũng vọt ngay lên mức 1.220 USD/ounce.
Kết thúc phiên 8/10, giá vàng giao ngay tăng 13,20 USD (+1,09%), lên 1.221,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 6,4 USD (-0,53%), xuống 1.206,0 USD/ounce.
Trước những dữ liệu kinh tế yếu kém của thế giới, cùng việc IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,3% trong năm nay, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, dầu thô Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 năm rưỡi, còn giá dầu thô Brent cũng xuống sát mức 91 USD/thùng, mức thấp nhất 2 năm.
Kết thúc phiên 8/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,54 USD (-1,76%), xuống 87,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,73 USD (-0,80%), xuống 91,38 USD/thùng.