Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn

Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn

Fed đối mặt với thời điểm thử thách

(ĐTCK) Trong tuần này, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 16-17/9.

Tại đây, cơ quan này buộc phải cân nhắc kỹ càng các số liệu kinh tế, những tín hiệu từ thị trường tài chính, cũng như những yếu tố tác động tới nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu để đưa ra lựa chọn về việc có nâng lãi suất trong tháng 9 hay không.

Sự lựa chọn của Fed, dù là nâng hay không nâng lãi suất, đều đi kèm với những nguy cơ riêng. Dưới đây là những vấn đề tương ứng đối với mỗi sự lựa chọn của Fed.

Chưa vội nâng lãi suất

Các nhà đầu tư hiện đang đánh cược rằng, Chủ tịch Janet Yellen và Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) sẽ chùn bước trước các dấu hiệu bất ổn tại thị trường chứng khoán trong thời gian qua và đẩy lùi lại thời gian dự kiến nâng lãi suất. Nếu Fed không nâng lãi suất trong tháng 9, thậm chí là trong năm nay, uy tín của ngân hàng trung ương này sẽ bị ảnh hưởng.

Trước đây, trong Báo cáo tổng quan nền kinh tế được công bố vào tháng 6/2015 của Fed, cơ quan này đã dự tính sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Thêm vào đó, Fed cho biết, quyết định nâng lãi suất hoàn toàn “phụ thuộc vào các số liệu”. Cho đến nay, các số liệu kinh tế đều rất khả quan. Theo đó, số lượng việc làm được tạo mới tăng mạnh trong tháng 7; doanh số bán xe hơi trong tháng 8 tăng ở mức nhanh nhất trong ít nhất 1 thập kỷ qua; tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống 5,1%, ở mức thấp nhất 7 năm qua, tương đương với kỳ vọng của FOMC.

Bởi vậy, Michael Feroli, chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan Securities LLC tại New York, đồng thời là cựu thành viên Hội đồng kinh tế Fed cho biết, không nâng lãi suất “chính là ném danh tiếng của Fed vào vũng bùn. Họ đã thay đổi từ việc phụ thuộc vào số liệu chuyển sang không chỉ số liệu mà còn bao gồm cả thị trường tài chính”.

Chưa kể tới, nếu trì hoãn nâng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống hơn nữa, dẫn tới chi phí trả lương cho lao động tăng lên, một vài khu vực tại thị trường tín dụng tiếp tục tăng nhiệt và nếu vậy, Fed đã bỏ qua cơ hội tốt nhất.

Neil Dutra, nhà kinh tế trưởng tại Renaissance Marco Research LLC cho biết, tỷ lệ thất nghiệp có thể xuống dưới ngưỡng 4,8% cho tới cuối năm 2015. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp càng xuống thấp thì lạm phát tiền lương càng dễ xuất hiện.

Trong khi đó, các khoản vay bất động sản thương mại đã tăng 12,5% trong tháng 7, so với con số 9,6% trong tháng trước. Thị trường của những khoản vay lợi nhuận cao, rủi ro lớn tại Mỹ cũng bắt đầu nợ rộ.

Fed càng chờ đợi lâu, họ càng vuột mất khả năng điều chỉnh lãi suất một cách từ tốn. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, Fed có thể buộc phải tăng lãi suất đột ngột, điều này có thể gây chấn động lớn, Dutta cho biết.

Tiến hành nâng lãi suất

Nếu Fed tiến hành nâng lãi suất ngay trong tháng 9 này, hoặc trong tháng 12 sắp tới, sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chậm chạp, sẽ bị đe dọa thêm, chưa kể tới các mối nguy bởi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh, từ Trung Quốc cho tới một loạt quốc gia mới nổi khác.

Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã khuyên Fed hãy tạm hoãn việc tăng lãi suất cho tới năm sau. Bà Lagarde nhấn mạnh, trong 2 tháng vừa qua, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tệ hơn dự đoán của bất kỳ ngân hàng trung ương nào.

Ray Dalio, tỷ phú sáng lập quỹ Bridgewater Associates cho rằng, nâng lãi suất sẽ đe dọa tới nỗ lực kiềm chế giảm phát trên toàn cầu và dự báo, Fed sẽ buộc phải thực hiện các gói nới lỏng tiền tệ trong năm tới để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi con sóng dội ngược. Việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến đồng tiền của các quốc gia mới nổi giảm giá hơn nữa so với đồng USD, khiến các khoán nợ bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, nếu tiến hành nâng lãi suất, Fed đã đi ngược lại với mục tiêu lạm phát của mình. Trong suốt 39 tháng qua, theo cách tính của Fed, lạm phát vẫn luôn ở mức dưới 2%. Trong tháng 7/2015, lạm phát chỉ tăng 0,3% so với năm trước đó.

Trong tháng 6/2015, các nhà hoạch định chính sách Fed dự báo, lạm phát sẽ đạt được mức mục tiêu 2% vào cuối năm tới, khi áp lực từ việc đồng USD mạnh và giá dầu giảm mờ nhạt dần. Tuy nhiên, ngay cả các thành viên của Fed cũng không dám chắc về điều này. Biên bản từ cuộc họp tháng 7 cho thấy, “các thành viên tiếp tục dự báo rằng lạm phát sẽ ở dưới mức mục tiêu lâu dài 2% trong năm 2016 và 2017”.

“Nếu Fed nâng lãi suất trong tháng 9, điều này cho thấy, họ đã không tính toán được sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, cũng như không tính toán được lạm phát lại đáng thật vọng đến vậy”, Julia Coronado, chuyên gia kinh tế trưởng tại Graham Capital Management cho biết.

Tin bài liên quan