Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg với 65 nhà kinh tế diễn ra từ ngày 4/11 đến 11/11, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong một số cuộc họp tiếp theo để đối phó với lạm phát gần mức cao nhất trong 40 năm.
Các nhà kinh tế vẫn giữ quan điểm về đường lối chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mặc dù thị trường chứng khoán đã tăng mạnh sau sự giảm tốc bất ngờ của chỉ số lạm phát trong tháng 10.
Ngoài ra, các quan chức có thêm một tin tốt vào thứ Ba (15/11) sau khi dữ liệu của Bộ Lao động cho thấy tốc độ tăng giá sản xuất của Mỹ trong tháng 10 giảm nhiều hơn dự kiến, một dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát đang bắt đầu giảm bớt. Chỉ số giá sản xuất cho nhu cầu cuối cùng tăng 8% so với một năm trước, mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn một năm và 0,2% so với tháng trước.
Các quan chức Fed vẫn kiên quyết tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát và không dừng tăng lãi suất sớm để đảm bảo quay trở lại mục tiêu 2%, ngay cả khi họ thừa nhận nền kinh tế có thể bị tổn thương và suy thoái kinh tế.
Phó chủ tịch Fed Lael Brainard cho biết: “Chúng tôi còn nhiều việc phải làm”, được đưa ra trong một sự kiện tại văn phòng Bloomberg ở Washington hôm thứ Hai (14/11), vài giờ sau khi Thống đốc Chris Waller phát biểu rằng, “chúng tôi vẫn còn nhiều cách để tiếp tục” về lãi suất và cam kết giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian tới để làm giảm áp lực giá cả.
Fed đã tăng lãi suất từ mức gần như bằng 0 vào tháng 3 lên phạm vi mục tiêu từ 3,75 - 4% trong tháng 11 nhằm nỗ lực làm chậm nền kinh tế và kiểm soát lạm phát đã gia tăng sau sự gián đoạn của Covid-19 vào năm 2020 và 2021. Đây cũng là chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980 với mức tăng 75 điểm cơ bản bốn lần liên tiếp, gấp ba lần các động thái thông thường.
James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng tại ING Groep NV cho biết: “Cục Dự trữ Liên bang tập trung vào việc đánh bại lạm phát, bất kể chi phí kinh tế là bao nhiêu. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ đạt mức cao nhất là 5%, nhưng với những dấu hiệu mới cho thấy lạm phát sẽ giảm mạnh vào năm tới và khả năng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng nặng nề, khả năng đảo ngược chính sách vào năm 2023 là rất cao”.
Các nhà kinh tế cho rằng, Fed có phần kiên định hơn trong việc giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với các nhà đầu tư, bất chấp những tin tức tích cực về lạm phát gần đây.
“Các thị trường tăng mạnh sau báo cáo CPI yếu hơn của tháng 10 vì báo hiệu rằng lạm phát đã qua mức đỉnh và việc Fed tăng lãi suất sắp kết thúc. Thị trường có thể đã vui mừng sớm. Những diễn biến gần đây không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi rằng Fed cuối cùng sẽ phải tăng lãi suất lên 5% vào năm tới”, các nhà kinh tế Bloomberg Economics, Anna Wong và Eliza Winger cho biết.
Dữ liệu được công bố tuần qua cho thấy, giá tiêu dùng hạ nhiệt nhiều hơn dự kiến trong tháng 10, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,7% so với một năm trước đó, so với 8,2% của tháng 9.
Tin tức về báo cáo CPI tốt hơn mong đợi đã khiến lợi suất trái phiếu giảm mạnh và các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn việc Fed sẽ giảm quy mô của lần tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 12 xuống 50 điểm cơ bản. Các thị trường hiện đang định giá mức lãi suất cao nhất gần 5% và lãi suất sẽ giảm xuống 4,5% vào cuối năm 2023.
Phố Wall có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất ở mức 5% vào cuối năm 2023, trong khi một số khác dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất sau khi kinh tế suy yếu và lạm phát thấp hơn.
Mặt khác, các nhà kinh tế hiện kỳ vọng các quan chức Fed sẽ lựa chọn một mức tăng nhỏ hơn - 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 13-14/12 - sau tín hiệu từ Chủ tịch Jerome Powell vào ngày 2/11 rằng một đợt giảm tốc độ tăng lãi suất như vậy đang diễn ra.