Chủ tịch Fed Jerome Powell đã củng cố thông điệp đó trong tuần này khi ông cho biết, có thể sẽ “mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để đạt được niềm tin cần thiết để hạ lãi suất, làm tiêu tan kỳ vọng về nhiều hơn hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG cho biết: “Đây là sự xác nhận rằng Fed sẵn sàng chờ đợi”.
Nhưng sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế và thị trường lao động, cùng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán vào đầu năm cũng đã khơi dậy một cuộc tranh luận về mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ.
Các quan chức Fed ngày càng bày tỏ lo ngại rằng chi phí đi vay cao có thể không đủ hiệu quả để kiềm chế nhu cầu, làm gia tăng lo lắng của các nhà đầu tư và nhà phân tích rằng ngân hàng trung ương có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều nói rõ rằng họ kỳ vọng lãi suất đã đạt mức cao nhất, nhưng một số quan chức Fed đã bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng này nếu cần thiết để kiềm chế tăng trưởng giá cả.
Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết rằng, việc tăng lãi suất không phải là kỳ vọng cơ bản của ông. Nhưng ông cho biết điều đó có thể xảy ra nếu dữ liệu kinh tế đảm bảo lãi suất cao hơn để đạt được mục tiêu lạm phát của Fed.
Chủ tịch Fed Boston Susan Collins đã cổ vũ cho tình trạng lạm phát sụt giảm nhanh chóng vào năm ngoái trong một bài phát biểu gần đây, nhưng bày tỏ lo ngại rằng nếu nhu cầu hạ nhiệt, giá cả sẽ tiếp tục bị áp lực cao hơn.
“Điều này ngụ ý rằng nhu cầu sẽ cần phải ở mức vừa phải để Fed đạt được mục tiêu ổn định giá cả…Vì vậy, mặc dù hoạt động kiên cường là tin tốt nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về mức độ mà quan điểm của chính sách tiền tệ thực sự đang hạn chế nhu cầu”, bà cho biết.
Theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế hiện kỳ vọng Fed sẽ có hai đợt cắt giảm trong năm nay, giảm so với ba lần dự báo vào tháng 3.
Phần lớn tiến trình lạm phát của Mỹ được ghi nhận trong năm ngoái có thể là do những cải thiện về mặt cung ứng của nền kinh tế: những thách thức trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ và một dòng người nhập cư khổng lồ giúp lấp đầy các công việc còn trống.
Trong khi đó, nhu cầu vẫn mạnh mẽ. Vào nửa cuối năm 2023, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ liên tục nhanh nhất trong hai năm. Và chỉ trong tháng trước, doanh số bán lẻ đã tăng 0,7% và vượt dự báo của các nhà kinh tế.
Nhưng vì nhu cầu là kênh chính để chính sách tiền tệ hoạt động nên sự tồn tại dai dẳng của nó đang làm dấy lên sự hoài nghi về mức độ chính sách đang hạn chế nền kinh tế.
Điều kiện tài chính
Điều kiện tài chính cũng đóng vai trò quan trọng. Khi các quan chức Fed bắt đầu nói nhiều hơn về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán đã phục hồi.
Chỉ số S&P 500 tăng và lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm - đi ngược lại với giá - giảm mạnh từ gần 5% trong tháng 10 xuống dưới 4% vào đầu năm 2024. Lợi suất đã tăng trong những tuần gần đây trong bối cảnh dữ liệu lạm phát đáng thất vọng.
Marc Giannoni, nhà kinh tế trưởng tại Barclays Plc cho biết: “Chúng tôi bắt đầu lo lắng về các điều kiện tài chính nới lỏng trở lại và khả năng tiến trình lạm phát chững lại ở mức cao, và thật không may, điều đó có vẻ như đang xảy ra”.
Nhưng cũng có một câu hỏi là Fed cuối cùng sẽ giảm lãi suất bao nhiêu.
Lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì
Một số nhà hoạch định chính sách ngày càng đi đến ý tưởng rằng nền kinh tế hậu đại dịch về cơ bản khác với những năm trước đó, cho dù đó là năng suất tiềm năng cao hơn hay sự gia tăng của công việc từ xa.
Nhưng nó cũng có thể dẫn đến một nền kinh tế có chi phí đi vay cao hơn mức mà nhiều người Mỹ đã quen thuộc.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết, bà đã điều chỉnh lại ước tính của mình về lãi suất quỹ liên bang dài hạn tại cuộc họp vào tháng trước. Bà trích dẫn cả khả năng phục hồi của nền kinh tế khi đối mặt với lãi suất cao hơn cũng như ước tính ngày càng tăng của lãi suất trung lập - mức chi phí cho vay không kích thích cũng như hạn chế hoạt động.
Có 8 nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến lãi suất quỹ liên bang dài hạn sẽ trên 2,5%, mức trung bình trong hầu hết 5 năm qua, trong khi chỉ có 4 nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo này vào một năm trước.
“Tại sao phải cắt giảm lãi suất khi chúng ta có lạm phát và nền kinh tế tốt?...Fed có thể không thực sự phải cắt giảm nhiều. Có thể là lãi suất trung lập đã tăng lên”, Michael Bordo, giáo sư kinh tế tại Đại học Rutgers cho biết.