FED cắt giảm QE3 tác động gì tới dòng vốn ngoại?

FED cắt giảm QE3 tác động gì tới dòng vốn ngoại?

(ĐTCK) Fed có lẽ quá xa để tác động trực tiếp tới toàn bộ TTCK Việt Nam, nhưng tác động tới dòng vốn ngoại ra vào thị trường thì đã có nhiều nghiên cứu, kết quả cũng có đôi điều suy nghĩ!

FED cắt giảm QE3 tác động gì tới dòng vốn ngoại? ảnh 1

Dự báo, năm 2014, vốn ngoại vẫn sẽ vào TTCK Việt Nam nhiều hơn là rút ra

Quyết định trên của FED được các chuyên gia nhận định là hợp lý, khi mà nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu khởi sắc như GDP tăng trưởng khả quan, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 7%... Đây cũng được xem là một động tác phòng ngừa bong bóng tài sản, khi mà giá nhà đất tại Mỹ đã tăng 11% và chỉ số Dow Jones tăng 26,45% kể từ đầu năm.

Có khả năng FED sẽ tiếp tục giảm dần quy mô gói kích thích kinh tế (QE3) và chấm dứt hẳn vào cuối quý II hoặc giữa quý III/2014. Những động thái này ít nhiều sẽ tác động đến TTCK Việt Nam.

Theo CTCK MB (MBS), trong ngắn hạn, việc FED giảm quy mô gói QE3 sẽ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Điều này còn hàm ý niềm tin của FED vào sự phục hồi của nền kinh tế. Do đó, dòng tiền đầu tư ngắn hạn có khả năng sẽ tập trung vào thị trường Mỹ, thay vì vào các nước mới nổi như 2 năm trước. Nhưng sẽ không có chuyện rút vốn ồ ạt từ các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, vì lộ trình của FED đã được vạch rõ từ tháng 5/2013 và các thị trường cũng đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh phản ánh kỳ vọng này.

Về dài hạn, tín hiệu kinh tế Mỹ phục hồi thậm chí còn có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam nói chung, vì Mỹ là một đối tác thương mại lớn; mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 25 tỷ USD, với mức xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

MBS cho rằng, một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh yếu kém trong 9 tháng đầu năm và chưa có tiến triển trong quý IV/2013 thì khả năng bị ảnh hưởng từ việc rút vốn của các quỹ ETF sẽ cao.

Tuy nhiên, chuyên viên tư vấn đầu tư Đào Hồng Dương thuộc CTCK Dầu khí (PSI) nhận định, việc FED giảm gói QE3 nhìn chung là ít có tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Đối với TTCK, quan ngại lớn nhất là việc dòng vốn nóng có thể bị rút ra một phần.

“Nhưng đây chỉ là quan ngại. Các quỹ đầu tư, dòng tiền nóng qua các quỹ ETF đã có động thái rút khỏi các thị trường mới nổi từ tháng 6 năm nay. Đến nay, xu hướng này chưa kết thúc, nhưng đã kết thúc tại Việt Nam”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo thống kê của ông Dương, khối ngoại đã dừng rút vốn sau khi 2 quỹ ETF rút ra 127 triệu USD cổ phiếu từ tháng 6 - 8/2013 và bán ròng hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng thời gian này.

“Có vẻ những gì NĐT lo sợ đã diễn ra trên thị trường từ rất sớm”, ông Dương nói.

Về xu hướng rút hay bơm ròng của dòng tiền nóng trên các thị trường mới nổi, theo thống kê, không chỉ phụ thuộc vào việc QE bị rút hay không, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ ổn định kinh tế, mức định giá và kỳ vọng ngắn hạn của mỗi thị trường.

Các yếu tố này ở mỗi quốc gia đều có sự chênh lệch khác nhau. Chỉ số P/E và P/B trên TTCK Việt Nam đang được định giá ở mức thấp nhất Đông Nam Á. Nền kinh tế có dấu hiệu đi vào vùng tạo đáy là những yếu tố sẽ hạn chế dòng tiền nóng rút ra khỏi thị trường.

CTCK Vietcombank (VCBS) trong báo cáo phân tích sáng qua nhận định, mặc dù FED đã quyết định thu hẹp gói QE3, nhưng với cam kết duy trì lãi suất thấp thì chuyển dịch dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi một cách ồ ạt sẽ được hạn chế, ít nhất là trong nửa đầu năm 2014, theo đó TTCK Việt Nam cũng được hưởng lợi từ thông tin này.

Ông Hoàng Công Tuấn

Chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp, CTCK MB (MBS)

Có khả năng NĐT nước ngoài sẽ rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, song mức độ rút vốn không cao.

NĐT nên thận trọng với một số mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý này, thuộc danh mục của hai quỹ VNM ETF và FTSE Việt Nam. Những mã có khả năng bị ảnh hưởng bởi các thông tin trên như ITA, OGC, VGC, PVX, DIG, HAG, SBT.

 

Bộ phận Nghiên cứu - Phân tích

CTCK Vietcombank (VCBS)

 

Nếu thị trường giảm sâu sẽ tạo cơ hội cho các NĐT lựa chọn cổ phiếu tốt ở những mức giá hấp dẫn hơn để đưa vào danh mục, vì thị trường vẫn được kỳ vọng tăng điểm trong trung và dài hạn, do kinh tế trong nước dự báo phục hồi tốt hơn trong năm 2014. Dẫu vậy, VCBS cho rằng, sự bình tĩnh và thận trọng luôn là cần thiết, việc mua đuổi cổ phiếu bằng mọi giá nên được hạn chế.

 

 

Ông Đào Hồng Dương

Chuyên viên tư vấn đầu tư, CTCK Dầu khí (PSI)

 

Việc rút vốn của khối ngoại thường diễn ra đối với dòng vốn nóng và qua 2 quỹ ETF hiện có quy mô tổng tài sản khoảng 16.000 tỷ đồng. Danh mục của các quỹ này chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn, có ảnh hưởng tới chỉ số VN30. Vì thế, ảnh hưởng từ việc FED giảm quy mô gói QE3, nếu có, sẽ diễn ra trên nhóm cổ phiếu này; cổ phiếu nào mà quỹ ETF có tỷ trọng đầu tư càng cao thì khả năng bị bán ra càng lớn.

 

NĐT nên thận trọng với nhóm cổ phiếu này, đề phòng những biến động khó lường trong ngắn hạn. Chờ đợi những ảnh hưởng này để mua vào những cổ phiếu blue-chip và vốn hóa lớn với giá rẻ hơn có thể sẽ mang lại hiệu quả.

 

 

Ông Hoàng Thạch Lân

Giám đốc Môi giới, CTCK MHBS

 

Động thái cắt giảm gói QE3 của FED là tín hiệu tốt về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và điều đó cũng đã đẩy giá cổ phiếu trên phố Wall. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế và TTCK mới nổi, điều này không hẳn là tin tốt trong ngắn hạn, nhất là khi đang hấp thụ lượng vốn nóng từ bên ngoài.

 

Đối với TTCK Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay, chúng ta đã hấp thụ thêm một lượng khá lớn vốn đầu tư gián tiếp. Tất nhiên, lượng vốn này không chỉ đến với các công ty đang niêm yết, mà còn tìm đến các công ty ngoài sàn. Ngoài ra, lượng vốn này không chỉ đến từ các quỹ mở, các quỹ ETF (dòng vốn nóng), mà còn đến từ các tổ chức tài chính có mục tiêu đầu tư dài hạn. Điều này có được không chỉ nhờ giá cổ phiếu được cho là khá thấp khi so với một số nước khác trong khu vực, mà còn nhờ vào một số yếu tố có tính chất “mở” về mặt chính sách trong năm tới. Do đó, trong ngắn hạn, dòng vốn nóng có thể bị rút ra, nhưng sẽ không lớn.

 

Trong năm 2014, theo tôi, lượng vốn đầu tư gián tiếp vẫn sẽ vào TTCK Việt Nam nhiều hơn là rút ra.

 

 

Ông Nguyễn Hữu Bình

Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

 

Mức độ cắt giảm gói QE3 của FED khá nhỏ vừa qua gây bất ngờ cho thị trường, vì thị trường dự báo mức độ cắt giảm ở mức cao. Việc FED thu hẹp gói kích thích kinh tế sẽ khiến đồng USD mạnh lên, có thể có một cuộc di cư ngược trở lại của đồng USD. Điều này cũng sẽ làm cho lãi suất chung tăng lên, giá vốn tiền trở nên đắt đỏ hơn. Vì vậy, nhiều quốc gia thu hút mạnh vốn ròng trước đây chịu áp lực do bị rút vốn. Trong năm 2013, áp lực này đã xuất hiện ở Indonesia và Ấn Độ, khiến cho đồng nội tệ của hai nước này mất giá.

 

Tuy nhiên, với việc FED cắt giảm từ từ gói QE3, sẽ không gây biến động mạnh cho thị trường tài chính thế giới, cũng như Việt Nam. Và theo tôi, còn tạo ra một thói quen cho NĐT với việc gói hỗ trợ sẽ bị cắt giảm, tiến tới bị loại bỏ hẳn tại Mỹ.

>>Nghĩ về số phận gói QE3 sau đêm nay

>>Cắt gói QE: Mức đồng thuận mới của Fed