Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh (Ngân hàng Shinhan Việt Nam).
Thị trường đang chờ đợi hành động của Fed. Liệu Fed có giảm lãi suất trong tuần này, thưa ông?
Theo diễn biến của thị trường hiện nay, chúng tôi cho rằng, có khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất USD trong tháng này, mức giảm sẽ là 25 điểm cơ bản.
Trên thế giới, theo dự báo của CME Group, khả năng là 100% Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Trong đó, 57% dự báo cắt giảm 25 điểm cơ bản và 43% nghiêng về việc Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản.
Fed vẫn đang rất cẩn trọng theo dõi các dữ liệu từ thị trường. Lạm phát đang giảm, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Trong khi đó, báo cáo việc làm tháng 8/2024 của Mỹ suy yếu, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ khó có khả năng rơi vào tình trạng suy thoái. Do vậy, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất cơ bản ở mức 25 điểm cơ bản.
Theo ông, việc Fed cắt giảm lãi suất USD sẽ tác động ra sao đến Việt Nam, đặc biệt là về chính sách tiền tệ?
Theo tôi, việc Fed cắt giảm lãi suất USD có thể mang lại một số tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến một số tác động như sau: giảm lãi suất USD, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài.
Tỷ giá ổn định cũng góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc duy trì tỷ giá ổn định cũng thể hiện niềm tin đối với đồng nội tệ tăng lên, giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngoài cắt lãi suất USD trong tháng 9, liệu Fed có khả năng giảm tiếp vào những tháng cuối năm nay, thưa ông?
Các dự báo đưa ra, khả năng cao, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2024, lần đầu vào tháng 9 và lần thứ hai vào tháng 12/2024. Hiện Fed gặp khó khi phải cân bằng giữa việc cắt giảm lãi suất sớm và hạn chế nguy cơ lạm phát bùng trở lại.
Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ đang theo xu hướng giảm. Fed sẽ xem xét các số liệu lạm phát trước khi xác định quy mô cắt giảm lãi suất. Trọng tâm của các quan chức Fed đã chuyển từ kiềm chế lạm phát sang nỗi sợ ngày càng lớn về thị trường lao động. Các số liệu này càng củng cố niềm tin về một kịch bản “hạ cánh mềm”, vừa đưa được lạm phát về mức mục tiêu 2%, nhưng cũng đảm bảo không dẫn đến suy thoái.
Theo đánh giá của ông, việc Fed giảm lãi suất sẽ tác động thế nào lên tỷ giá VND/USD trong thời gian tới?
Tỷ giá VND/USD sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt dần. Tỷ giá VND/USD bình quân năm 2024 dự kiến ở mức 25.040 VND/USD. Trong nửa đầu năm 2024, dù các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện, song tỷ giá VND/USD vẫn tăng lên mức cao kỷ lục, do USD mạnh và những diễn biến bất ổn tại Trung Quốc.
Về cơ cấu thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, do vậy, kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, những nỗ lực hạn chế đà tăng tỷ giá bị giới hạn do các yếu tố tích cực trong nước chỉ xuất hiện sau khi Fed xoay trục chính sách. Tuy nhiên, kỳ vọng về cắt giảm lãi suất USD của Fed đang đến gần.
Cùng với sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán vàng và ngoại tệ dự trữ đã góp phần hạn chế tỷ giá VND/USD tăng cao. VND sẽ mất giá nhẹ và dự kiến phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ cùng với các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và vốn FDI tăng mạnh.