Fed cảnh báo rủi ro khủng hoảng tín dụng sau khủng hoảng ngân hàng Mỹ

Fed cảnh báo rủi ro khủng hoảng tín dụng sau khủng hoảng ngân hàng Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng trên diện rộng và có nguy cơ làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo Ổn định tài chính của Fed được công bố vào thứ Hai (8/5) đã nêu bật những lo ngại ngày càng gia tăng rằng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào tháng 3 và sự thất bại của First Republic Bank trong tháng 4 sẽ dẫn đến việc giảm cho vay và làm giảm giá tài sản.

Fed cho biết, bất chấp “các hành động quyết đoán” của các cơ quan quản lý và quan chức để giải quyết các cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực gần đây, những lo ngại về “triển vọng kinh tế, chất lượng tín dụng và thanh khoản tài trợ” có thể dẫn đến “các ngân hàng và định chế tài chính khác tiếp tục thu hẹp cung cấp tín dụng cho nền kinh tế”.

Fed cho biết thêm: “Sự sụt giảm mạnh về khả năng cung cấp tín dụng sẽ làm tăng chi phí tài trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, có khả năng dẫn đến hoạt động kinh tế chậm lại”.

Khả năng xảy ra khủng hoảng tín dụng được cho là một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay đối với hệ thống tài chính, thay vì là kịch bản có khả năng xảy ra nhất của Fed. Tuy nhiên, nó phản ánh sự lo lắng về tác động kinh tế vĩ mô của một trong những tháng hỗn loạn nhất đối với nền tài chính Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed Chicago cho biết: “Cuộc khủng hoảng tín dụng, hoặc ít nhất là sự siết chặt tín dụng đang bắt đầu. Tôi nghĩ bạn phải nói rằng suy thoái kinh tế là một khả năng”.

Những lo ngại về việc thu hẹp tín dụng xuất hiện khi khả năng vỡ nợ của Mỹ có thể xảy ra khi Nhà Trắng và Quốc hội đang bế tắc trong việc tăng trần nợ 31.400 tỷ USD của chính phủ. Một thỏa thuận cần phải đạt được vào đầu tháng 6 để tránh điều mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế và thị trường.

Ngoài ra, Fed đã khảo sát các chuyên gia và học giả trên thị trường. Tỷ lệ xếp ngành ngân hàng căng thẳng là rủi ro ổn định hàng đầu đã tăng gấp 4 lần kể từ mùa thu và hiện được xếp ngang hàng với lạm phát và căng thẳng Mỹ-Trung. Cuộc khảo sát cho thấy những lo lắng về bất động sản thương mại và nhà ở cũng đang tăng nhanh.

Fed cũng đã công bố kết quả Khảo sát ý kiến của cán bộ cho vay cấp cao hàng quý, cho thấy các ngân hàng dự kiến sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay trong thời gian còn lại của năm 2023. Các quan chức ngân hàng đã chỉ ra những lo ngại về suy thoái kinh tế và rút tiền gửi sau sự sụp đổ của SVB.

Theo dữ liệu khảo sát cho vay, các ngân hàng lớn nhất, những ngân hàng có tài sản ít nhất 250 tỷ USD cho biết lý do khả năng cho vay chậm lại là do triển vọng kinh tế không chắc chắn.

“So với các ngân hàng lớn nhất, quy mô trung bình với tài sản từ 50 tỷ USD đến 250 tỷ USD và các ngân hàng khác thường viện dẫn những lo ngại về vị thế thanh khoản, dòng tiền gửi bị rút ra và chi phí tài trợ là lý do để thắt chặt cho vay”, Fed cho biết về cuộc khảo sát.

Trong nỗ lực giữ chân người gửi tiền, một số ngân hàng đã phải đưa ra mức lãi suất cao hơn đối với các tài khoản tiết kiệm bên cạnh việc cân nhắc đến tỷ suất lợi nhuận. Các ngân hàng quy mô trung bình, vốn phải đối mặt với dòng tiền gửi lớn nhất, cũng cho thấy lo ngại về các quy định chặt chẽ hơn và những thay đổi tiềm ẩn đối với các quy tắc kế toán.

Xét về khả năng khủng hoảng tín dụng có thể lan rộng hơn như thế nào, báo cáo Ổn định tài chính của Fed cho biết, có nguy cơ sụt giảm lợi nhuận và gia tăng vỡ nợ giữa các doanh nghiệp. “Ngoài ra, việc giảm khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư có thể dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về giá tài sản”, báo cáo cho biết.

Fed cũng cảnh báo về những điểm yếu trong lĩnh vực bất động sản thương mại, “mức độ điều chỉnh giá trị tài sản có thể rất lớn và do đó có thể dẫn đến tổn thất tín dụng đối với những ngân hàng nắm giữ nợ bất động sản thương mại”.

Fed cho biết, sẽ giám sát hiệu quả hoạt động của các khoản cho vay bất động sản thương mại chặt chẽ hơn và mở rộng “thủ tục kiểm tra” đối với các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Về khía cạnh ít lo ngại hơn, Fed cho biết: “Các cú sốc ít có khả năng lan truyền đến hệ thống tài chính thông qua khu vực hộ gia đình vì khoản vay của hộ gia đình ở mức vừa phải so với thu nhập và phần lớn khoản nợ hộ gia đình là do những người có điểm tín dụng cao hơn mắc phải”.

Ngay cả khi đã cảnh báo rằng hoạt động cho vay có thể bị ảnh hưởng, Fed cho biết hầu hết các ngân hàng dường như có thể xử lý chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

“Mặc dù căng thẳng ngân hàng trong tháng 3, nhu cầu vốn cao và mức độ rủi ro lãi suất vừa phải có nghĩa là phần lớn các ngân hàng đều có khả năng phục hồi trước những căng thẳng tiềm ẩn từ lãi suất cao hơn. Tính đến quý IV/ 2022, các ngân hàng nói chung đều có vốn hóa tốt, đặc biệt là các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu của Mỹ”, báo cáo cho biết.

Tin bài liên quan