Khu công nghiệp Thilawa đang được triển khai ngay cạnh cảng biển mà FECON có công trình thi công

Khu công nghiệp Thilawa đang được triển khai ngay cạnh cảng biển mà FECON có công trình thi công

FECON thành lập công ty liên doanh tại Myanmar

(ĐTCK) CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (mã chứng khoán FCN - sàn HOSE) cho biết, Công ty vừa nhận được giấy chứng nhận (tạm thời) của Bộ Phát triển kinh tế và kế hoạch Quốc gia Myanmar, cho phép thành lập Công ty Xây dựng nền móng FECON Rainbow tại Myanamar, từ ngày 24/11/2015.

Theo đó, FECON Rainbow sẽ được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa FECON và Super Rainbow Construction (Myanmar), với mức sở hữu cổ phần tương ứng của các bên là 75% và 25%. Dự kiến, tháng 1/2016, FECON Rainbow sẽ chính thức ra mắt và bắt tay ngay vào dự án đầu tiên là xử lý nền cho Dự án mở rộng cảng quốc tế Thilawa của Myanmar.

FECON Rainbow ra đời nhằm nắm bắt những cơ hội đang mở rộng tại Myanmar sau cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 11/2015 tại đất nước này và sự kiện thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN ngày 31/12/2015. Cụ thể, năm 2016 được dự đoán sẽ là năm bùng nổ đầu tư tại Myanmar, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và bất động sản được đầu tư xây dựng.

Ngay bên cạnh Dự án mở rộng cảng quốc tế Thilawa mà FECON đã trúng thầu, đang hình thành một khu công nghiệp đặc biệt, rộng 2.400 héc-ta, với vốn đầu tư đến từ Chính phủ Nhật Bản, được trông đợi là động lực mạnh mẽ cho phát triển nền sản xuất công nghiệp của Myanmar. Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar, FECON sẽ có cơ hội lớn tham gia vào việc thực hiện các dự án trong khu công nghiệp này trong thời gian tới. Ngoài ra, FECON cũng đang theo đuổi công tác nền móng cho một số dự án nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Nam Myanmar.

Đáng chú ý, nhiều tổng thầu lớn của Nhật Bản là những đối tác thân thiết, truyền thống của FECON trong 10 năm qua như Taisei, Shimizu, Sumitomo, Toa, Toyo Construction, Penta Ocean…, đều đang chuẩn bị triển khai các dự án tại Myanmar và đối với họ, FECON đã có cơ hội chứng minh năng lực tại các công trình ở Việt Nam.

Myanmar là một thị trường mới, rất tiềm năng và có nhiều cơ hội để phát triển sau nhiều năm đất nước trong tình trạng “bế quan, tỏa cảng”. Dự kiến, trong vòng 2 thập kỷ tới, Myanmar cần xây dựng hàng nghìn km đường cao tốc và các dự án nhiệt điện để cung cấp năng lượng cho sự phát triển của đất nước. Hàng loạt dự án chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, các tổ hợp khách sạn cũng sẽ cần đến những nhà thầu chất lượng trong lĩnh vực nền móng công trình.

“Với nguồn nhân lực giỏi về nghề, thông thạo ngoại ngữ, đủ tiêu chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế; với thế mạnh công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực nền móng, có khả năng cung cấp những giải pháp tổng thể giúp giảm giá thành đầu tư, FECON đang có những thế mạnh để tự tin trong điểm đến mới - Myanmar”, ông Ishiguro Haruo, Giám đốc Marketing của FECON nhấn mạnh.            

CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON được thành lập ngày 18/6/2004, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm.
Với phương châm kinh doanh “Cung cấp giải pháp toàn diện cho nền móng công trình”, FECON mang đến các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ thỏa mãn tối đa các yêu cầu của khách hàng và chủ đầu tư, bắt đầu từ khâu đầu tiên là tư vấn địa kỹ thuật, khảo sát địa chất, thí nghiệm nền móng, thiết kế, cung cấp và thi công, đến khâu cuối cùng là quan trắc.
Tin bài liên quan