Theo giải trình từ Fecon, do trong quý IV/2018, lợi nhuận hợp nhất đóng góp khoản 52 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 60%/vốn của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Hảo 6 cho đối tác Acwa Power. Nhưng đến quý IV/2019, Fecon không ghi nhận hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại công ty con, liên kết nào dẫn đến lợi nhuận suy giảm.
Tính lũy kế cả năm 2019, doanh thu của Fecon đạt 3.060 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cả năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 11% xuống 221 tỷ đồng, và chỉ đạt 62% mục tiêu kế hoạch của năm 2019.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của FCN tăng 22% so với đầu năm, lên 5.743 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng vọt lên 55,8 tỷ đồng, trong khi đầu năm chưa đến 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết cũng tăng gấp đôi, từ 84,4 tỷ đồng đầu năm lên 162,5 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, Fecon ghi nhận nợ phải trả tăng lên 3.373 tỷ đồng, tương ứng 21% do chi phí trả trước ngắn hạn tăng gần gấp đôi và tăng 36% vay nợ ngắn hạn. Điều này làm tỷ số thanh toán hiện hành (Current Ratio) về thấp nhất trong 4 năm qua ở mức 1,57.
Vốn chủ sở hữu tăng 22% so với đầu kỳ lên 2.370 tỷ đồng, Công ty đã cho phát hành thêm cổ phiếu trong năm 2019, tăng số lượng cổ phiếu lưu hành lên gần 120 triệu cổ phiếu.
Giá cổ phiếu FCN kết thúc phiên tuần qua 7/2 giảm nhẹ 0,4% xuống 9.500 đồng, với hơn 240.000 đơn vị khớp lệnh.
Thông tin mới nhất liên quan đến Fecon là HĐQT đã thông qua quết định góp vốn 20 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Năng lượng Côn Đảo, với tỷ lệ sở hữu 20%/vốn.